Tính đến hết tháng 2/2021, lượng tro, xỉ phát sinh và tồn trữ tại bãi chứa thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) là gần 11 triệu tấn.

bai tro xi nhiet dien vinh tan
Bãi tro xỉ tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. (Ảnh: baobinhthuan.vn)

Liên quan đến các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), truyền thông nhà nước hôm 17/3 dẫn lời ông Nguyễn Đức Hòa, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết vấn đề nổi lên hiện nay tại Trung tâm này là việc xử lý tro xỉ.

“Mặc dù các chủ đầu tư đã tích cực triển khai đề án và hỗ trợ cho các đơn vị tiếp nhận xử lý tro xỉ nhưng khối lượng tiêu thụ chưa được nhiều”, ông Hòa nói.

Tính đến hết tháng 2/2021, lượng tro, xỉ phát sinh và tồn trữ tại bãi chứa thuộc Trung tâm này là gần 11 triệu tấn. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là 3,4 triệu tấn; bãi chứa của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng đến thời điểm này đã chứa 6,8 triệu tấn, gần đầy so với khả năng của bãi chứa là 7,2 triệu tấn.

Theo ông Hòa, tỉnh từng đề nghị các nhà thầu dùng tro xỉ làm nền mở rộng QL1 đi qua Bình Thuận, nhưng không được các nhà thầu chấp thuận.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã cấp phép, giao mặt bằng cho một đơn vị làm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ than tại Vĩnh Tân. Tuy nhiên, đơn vị này mới chỉ xây dựng nhà xưởng xong rồi bỏ đi luôn, không quay lại nữa.

Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho hay hiện lượng tro xỉ lưu trữ tại các bãi chứa quá lớn, tiềm ẩn rất nguy cơ, rất tốn kém. Vấn đề tiêu thụ tro xỉ do cự ly xa là có nhưng không phải là cơ bản, mà là vấn đề thiếu niềm tin trong sử dụng tro xỉ làm đường, san lấp, vật liệu xây dựng, phụ gia…

Trước đó, báo chí nhà nước nhiều lần phản ánh về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bãi thải tro, xỉ của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân dù các nhà máy nhiệt điện liên tục được xây dựng, đưa vào hoạt động, thải ra lượng tro, xỉ lớn.

Thực tế, người dân ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã phải hứng chịu khói, bụi từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, thậm chí phải kiến nghị ra Quốc hội Việt Nam.

Hồi năm 2020, TS Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn nhiệt điện và điện hạt nhân của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) từng phát ngôn rằng “tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện không đáng lo ngại”.

Tuy nhiên, trả lời trên Báo Kinh tế Sài Gòn, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), nhấn mạnh: “Tro xỉ của nhiệt điện than rất đáng lo ngại”.

Ông Sính dẫn thông tin từ Bộ TN-MT Việt Nam cho biết năm 2019, các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than, thải ra mỗi năm hơn 16,4 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ khoảng hơn 700 ha.

Đến năm 2030, nếu không được xử lý, tro xỉ tồn đọng sẽ lên đến 422 triệu tấn và mỗi năm thải ra thêm khoảng 32 triệu tấn. “Nếu chiều cao bãi chứa tro xỉ khoảng 5 mét, thì chúng ta cần 65km2, gần bằng diện tích TP. Huế (71,6km2) để chứa tro xỉ tồn đọng và mỗi năm cần thêm khoảng 5km2 để chứa tro xỉ tăng thêm”.

Ông Sính dẫn các tài liệu quốc tế cho biết tùy theo mỏ, trong tro xỉ có thể chứa nhiều chất độc hại, kim loại nặng, thậm chí cả phóng xạ. “Liệu trong than của Việt Nam có hay không và khi đốt xong thì tồn dư trong tro xỉ là bao nhiêu?”, ông Sính đặt câu hỏi và cho hay đến nay có rất ít nghiên cứu về vấn đề được đặt ra.

Ngoài ra, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện tạo ra rất nhiều nguy cơ, bao gồm nguy cơ thứ nhất là tro bay gây ô nhiễm không khí; thứ hai là ô nhiễm từ bãi tro xỉ và nguy cơ từ nước rò rỉ của bãi xỉ.

Lấy ví dụ về nguy cơ ô nhiễm từ bãi tro xỉ, theo ông Sính, đây là một nguy cơ mà thực tế đã xảy ra ở hầu hết các nhà máy nhiệt điện than, ô nhiễm không khí, nhà ở, mùa màng… “Điển hình là vào năm 2015, người dân xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã phải chặn đường quốc lộ 1 vì tro xỉ phát tán, người dân không chịu nổi”, ông Sính dẫn chứng.

Từ những vấn đề được đưa ra, ông Sính một lần nữa khẳng định: “Tro xỉ của nhiệt điện than rất đáng lo ngại”.

Hoàng Minh

Yêu cầu ‘không đưa thêm’ nhiệt điện than vào Bình Thuận – Vậy hiện trạng ra sao?