Ông Lê Nguyễn Minh Quang nộp đơn xin thôi chức Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Thường trực Thành ủy dự kiến giải quyết đơn xin vào ngày mai.

tuyen metro
Ông Lê Nguyễn Minh Quang (trái) và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khi trao quyết định Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thi TP.HCM, ngày 27/6/2016. (Ảnh: maur.hochiminhcity.gov.vn)

Do đơn xin thôi việc chưa được UBND TP.HCM phê duyệt nên hiện tại ông Quang vẫn đang làm việc. Theo đơn xin thôi chức, ông Quang cho biết nghỉ việc vì lý do cá nhân.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang (52 tuổi), tốt nghiệp tiến sĩ xây dựng tại trường đào tạo kỹ sư Ecole Centrale Paris của Pháp, thạc sĩ quản trị hành chính công tại trường Quản lý công Lý Quang Diệu (Singapore) và trường hành chính công Kennedy (Đại học Harvard – Mỹ).

Ông Quang từng là Tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche của Pháp. Công ty này đang cùng phía Nhật Bản đảm nhiệm dự án tuyến metro đầu tiên của TP.HCM.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang đảm nhiệm cương vị trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM từ tháng 6/2016, với thời hạn 5 năm.

Ông Quang trúng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021. Tháng 6/2016, UBND TP bổ nhiệm ông Quang vào chức vụ Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, thời hạn 5 năm. Đây là lần đầu tiên thành phố bổ nhiệm một người ngoài Đảng, cũng không phải công chức vào vị trí quan trọng, tương đương giám đốc sở.

Trước đó, năm 2000, ông Quang đã gửi thư góp ý với Thủ tướng về chính sách sử dụng nhân tài, thu hút du học sinh về nước làm việc; đề nghị thay đổi quan điểm chỉ đề cử, bổ nhiệm những người đã có sẵn trong bộ máy Nhà nước, đã là Đảng viên.

Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM được thành lập vào ngày 13/9/2007, thuộc UBND TP.HCM, với chức năng là Chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị thành phố.

Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM gồm 6 tuyến, hiện đang triển khai xây dựng 3 tuyến và 1 nhà ga trung tâm.

Tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài là 19,7 km được khởi công vào tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành cuối năm 2018. Tuy nhiên, hiện dự án mới triển khai thi công đạt khoảng 56% khối lượng. Thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến lùi sang năm 2020.

Tuyến số 2: Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi – Thủ Thiêm có tổng chiều dài khoảng 48 km, được phê duyệt vào năm 2010, gồm 3 giai đoạn. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2024. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 26.000 tỷ đồng, sau xin điều chỉnh nâng lên 47.800 tỷ. Thời gian thi công được kiến nghị điều chỉnh đến tháng 12/2020 thay vì hoàn tất trong năm 2018.

Tuyến metro số 5: Bến xe Cần Giuộc mới – Cầu Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 23,39 km, chia làm 2 giai đoạn. Đây là tuyến metro có tổng mức đầu tư lớn (1,562,7 tỷ euro, tương đương 41.607 tỷ đồng) và có thời gian triển khai kéo dài nhất (chuẩn bị từ năm 2009 – 2019; thực hiện từ năm 2020 – 2025; bảo hành, chạy thử từ năm 2025 – 2027).

Tháng 11/2018, trong thư gửi lãnh đạo TP.HCM, Đại sứ Nhật Bản cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ dừng thi công dự án metro tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên nếu Việt Nam không thanh toán tiền cho một số hạng mục đã hoàn thành.

Nguyễn Quân

Xem thêm: