Đầu năm học mới 2022-2023, Trường THPT Lê Chân (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) vận động phụ huynh tài trợ lắp đặt trạm biến áp trị giá gần 1 tỷ đồng.

truong thpt le chan xay tram bien ap
Hiệu trưởng và Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường THPT Lê Chân cho rằng việc xây trạm biến áp đã được Sở GD và 100% phụ huynh đồng thuận. (Ảnh: Trường THPT Lê Chân – Hải Phòng/Facebook)

Sự việc bị phát giác khi một tài khoản Facebook đăng tải nội dung trên một hội nhóm, cho hay Trường THPT Lê Chân (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đang “vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp bằng vốn xã hội hoá”.

Bài đăng được dẫn nguồn từ tài khoản “N.L”. Người này cho hay: “Cô giáo thì nói là tùy tâm cha mẹ học sinh và không cào bằng số tiền cần đóng, nhưng cô lại đưa ra con số 26 triệu cần phải có đủ cho tổng số 37 em học sinh trong lớp.

Chị gái em nuôi được đứa con đi học đã là cả một vấn đề kinh tế, mỗi năm học đến là cả trăm thứ tiền.

Khoản nào liên quan đến học tập thì vẫn có thể cố gắng được, nhưng cái khoản xây trạm biến áp này thật sự vô lý và nó nằm ngoài khả năng của chị gái em”.

Người này băn khoăn nên đóng bao nhiêu? Nếu không đóng thì con có được học yên ổn hay không?

Kèm theo thông tin đăng tải, tài khoản này chia sẻ tin nhắn được cho là giữa các phụ huynh một lớp tại Trường THPT Lê Chân làm minh chứng. Nội dung tin nhắn hiển thị như sau:

“Kính thưa các bậc phụ huynh! Theo tinh thần cuộc họp hôm trước thì dự kiến việc vận động kinh phí xây trạm biến áp sẽ được thực hiện dần trong tháng 9. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế việc triển khai lắp đặt trạm sẽ được thực hiện ngay.

Vì vậy, kính mong các bậc phụ huynh thực hiện việc ủng hộ trước ngày 10/9 để chúng tôi chuyển về trường cho kịp thời gian triển khai [kèm số tài khoản nhận tiền].

Phần kinh phí đóng góp hỗ trợ xây trạm biến áp xin ý kiến các bậc phụ huynh: Theo kế hoạch đã được thông qua từ kỳ họp tổng kết cuối năm học 2021-2022, nhà trường đã xin ý kiến Sở [GD-ĐT] và được Sở đồng ý cho xây dựng trạm biến áp bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Trên cơ sở đó, khối 10 vận động 600 triệu đồng, khối 12 vận động 150 triệu và khối lớp 11 vận động 250 triệu đồng.

Lớp chúng ta sẽ vận động hỗ trợ là 26 triệu/37 học sinh trên tinh thần tự nguyện đóng góp và không cào bằng”.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sáng 31/8 đưa tin ông Nguyễn Kim Hoằng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Chân vào tối 30/8 đã xác nhận thông tin trên, cho hay tin nhắn được chia sẻ trên mạng xã hội là của Chi hội phụ huynh lớp 11B3 của nhà trường.

Ông Hoằng cho biết trường đã lập Kế hoạch 155 ngày 5/7/2022 xin ý kiến Sở GD-ĐT để được vận động, tài trợ kinh phí xây dựng trạm biến áp (250KVA- 0,4LV) với mức dự toán 1 tỷ đồng.

Ngày 22/7/2022, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ của Trường THPT Lê Chân năm học 2022-2023.

Sau khi được Sở đồng ý, trường này tiến hành vận động, tiếp nhận tài trợ “trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, không cào bằng”, thời gian nhận đến hết năm học 2022-2023.

Ông Hoàng Kim Bình – Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Lê Chân cũng xác nhận việc trường xây trạm biến áp là có thật, và “nhận được sự đồng thuận của 100% phụ huynh nhà trường” theo biên bản họp phụ huynh – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sáng 31/8 dẫn tin.

Ông Bình nói việc lắp đặt trạm biến áp là để lắp đặt điều hòa cho 27 phòng học, khi các phòng chỉ bật quạt, điện chiếu sáng mà điện đã sập.

Theo truyền thông nhà nước, sau khi thông tin trên lan truyền trên mạng xã hội, sáng 31/8, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã lập đoàn công tác xuống làm việc với Trường THPT Lê Chân để xác minh sự việc.

truong thpt le chan xay tram bien ap 1
Trong khi trường nói điện yếu, cần xây trạm biến áp thì trên mạng xã hội, các học sinh lại nói nhiều về tình trạng trường ngập lụt sau mưa. (Ảnh: Trường THPT Lê Chân – Hải Phòng/Facebook)

‘Điện yếu, vì sao phụ huynh phải góp tiền làm trạm biến áp?’

Trong Fanpage “Hội người Hải Phòng”, dưới bài đăng về sự việc trên, nhiều người đã đưa ra ý kiến bình luận. Đa số cho rằng trách nhiệm đảm bảo nguồn điện là của bên điện lực, không thuộc trách nhiệm đóng góp của phụ huynh.

Theo tài khoản N.T.: “Việc về điện này Sở điện họ phải làm cho nhà trường, họ bán điện mà làm sao lại bắt phụ huynh đóng?”

Cùng quan điểm, tài khoản Q.N cho hay việc điện đường trường trạm, át-to-mat nhảy là việc của bên điện lực. Các trường học, điểm y tế luôn được chính quyền và điện lực ưu tiên nên việc trường học can dự vào là sai.

“Việc này là không đúng, người bán điện phải đảm bảo điện đến trước công tơ của trường, không được bắt phụ huynh học sinh đóng góp. Còn các nhà hảo tâm có lòng thì góp tiền làm hệ thống điện trong trường. Đề nghị Sở Công thương, Sở Giáo dục làm rõ” – tài khoản N.Đ đề nghị.

Tài khoản Đ.L.H phân tích: “Điện lực có trách nhiệm đưa điện đến với khách hàng. Đây là khách hàng lớn và đặc biệt. Hỏi Điện lực Hải phòng xem tại sao khách hàng phải mua biến áp để lắp. Về kỹ thuật, ai cho phép khách hàng tự lắp máy biến áp?”.

Đáng lưu ý, một phụ huynh sống tại Hải Phòng – tên tài khoản S.S.M – cho hay trường con chị học đã xây xong trạm biến áp, cũng từ nguồn tiền đóng góp của phụ huynh. Chị viết: “Vận động cũng được nhưng tùy tâm ai có thì đóng không có thì thôi. Đằng này áp chế 800.000 đồng một học sinh lớp 11 như trường hợp con tôi. Và chúng tôi đã đóng xong, đã có trạm biến áp lắp đặt điều hòa cho các phòng học (trường thì tôi giấu tên)”

Sơn Nguyên