Bị can Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô, bị truy nã vì tội danh giả mạo trong công tác, quy định tại điều 359, Bộ luật Hình sự. Hiện bị can Trần Khắc Hùng đã bỏ trốn sau khi bị khởi tố.

truy na tran khac hung dai hoc dong do vnf
Bị can Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông Đô đang bị truy nã (Ảnh: vietnamfinance)

Ngày 20/8,  Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ký Quyết định 272/ANĐT-P5 truy nã bị can Trần Khắc Hùng (sn 05/11/1972), Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô với tội danh “Giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự.

Bị can Hùng quê ở xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; đăng ký hộ khẩu thường trú tại phòng 206, nhà A5 khu đô thị Đại Kim, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Trước khi bỏ trốn, bị can Hùng sống tại phòng 908 nhà 24T1 khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Bộ Công an cho biết bất kỳ ai cũng có quyền bắt và áp giải ngay nghi can Hùng đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất hoặc báo cho Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an (Địa chỉ: số 3 Nguyễn Gia Thiều, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0692342431 hoặc 0692342143).

Trước đó, ngày 30/7, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội Giả mạo trong công tác đối với 4 bị can tại Trường Đại học Đông Đô, gồm: Dương Văn Hòa (36 tuổi, Hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang (Phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên); Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương (đều là cán bộ).

Theo cáo buộc, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, Đại học Đông Đô đã cấp 600-700 văn bằng 2 môn tiếng Anh với mức phí từ 28 đến 35 triệu đồng mỗi văn bằng. Trên thực tế, các đầu mối thấy khách hàng đều cấp bách muốn có bằng nên tự nâng giá 50-150 triệu đồng.

Với mức học phí mà các học viên đã nộp, các cá nhân liên quan tại Trường ĐH Đông Đô đã thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

collage
Từ trái qua phải, các bị can Dương Văn Hòa (Hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (Phó trưởng Phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên), Phạm Vân Thùy (cán bộ) (Ảnh: CA cung cấp)

Các lớp văn bằng 2 dạng này không thông báo tuyển sinh, không lập hội đồng chấm thi, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi. Ban giám hiệu Đại học Đông Đô sắp xếp thi tại những phòng không có camera an ninh và học viên chỉ cần chép đáp án của 27 tín chỉ để hoàn thiện thủ tục đầu ra. 

Đáng chú ý, theo Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Đông Đô chưa được phép đào tạo bằng 2 hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh theo quy định.

Hiện cơ quan công an làm rõ gần 460 văn bằng đã được sử dụng tại nhiều cơ quan nhà nước và tư nhân. Học viên chủ yếu là cán bộ, công chức cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để được nâng lương, nâng ngạch, thi tuyển biên chế.

Theo trang điện tử của báo Công an nhân dân, trước đó, trong quá trình xác minh, Cơ quan công an đã làm việc với 5 trường hợp hiện đã sử dụng văn bằng 2 của Trường đại học Đông Đô nộp vào các đơn vị đào tạo, gồm: Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Học Viện Khoa học Xã hội để hợp thức hóa nghiên cứu sinh.

Trong những người này, có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.

Bước đầu, Cơ quan công an xác định, đây là hoạt động có tổ chức gồm nhiều đối tượng tham gia trên quy mô toàn quốc. Số đối tượng trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT về đào tạo và cấp phát bằng tốt nghiệp đại học thứ hai, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Đáng chú ý, các trường hợp sử dụng văn bằng đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.

Thanh Thuỷ (t/h)

Xem thêm: