Chiểu theo các quy định hiện hành, diễn biến vụ việc TS Phạm Đình Quý và học trò bị bắt giữ, khởi tố cho thấy nhiều điều khoản quy định tại Luật Tố tụng Hình sự, Luật tố cáo… đang bị xâm phạm. Vấn nạn người tố cáo bị ngược đãi, đe dọa, trả thù bị đặt ra một cách rõ rệt, khi cơ quan tố tụng can thiệp thô bạo theo một quy trình “ngược” vào một vụ tố cáo dân sự.

pham dinh quy
Tiến sĩ – võ sư Phạm Đình Quý, năm 2012. (Ảnh: vothuat.vn)

Bộ Công an thừa nhận quyết định hình sự hóa vụ việc?

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/10, trả lời câu hỏi chất vấn về việc khởi tố 2 người về tội vu khống ở Đắk Lắk, đại diện Bộ Công an – ông Tô Ân Xô, Thiếu tướng công an, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết vụ việc được tiến hành sau khi Công an tỉnh Đắk Lắk “tiếp nhận nguồn tin tội phạm”.

“Theo thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận thông tin về tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xác minh nguồn tin, trong quá trình xác minh thấy có dấu hiệu tội phạm”, ông Xô nói.

Ngày 19/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với ông Hoàng Minh Tuấn (SN 1980) về tội “Vu khống”. Các quyết định này đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn.

Cũng theo ông Xô, sau khi mở rộng điều tra, ngày 25/9, Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định tạm giữ và lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Phạm Đình Quý (giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng), ngày 1/10 ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam 2 tháng về tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Phát ngôn chính thức từ Bộ Công an gián tiếp xác nhận chủ trương đồng tình của Bộ Công an đối với các quyết định của Công an tỉnh Đắk Lắk.

Trước khi cuộc họp báo diễn ra, vào trưa 2/10, thông tin khởi tố bị can và tạm giam (2 tháng) đối với TS-võ sư Phạm Đình Quý (39 tuổi, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM) đã được lan tin ra truyền thông.

Theo quyết định khởi tố của Công an tỉnh Đắk Lắk, ông Quý đã có hành vi “phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác”, phạm tội vu khống quy định tại Khoản 2, Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Quyết định khởi tố được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn.

Bắt khẩn cấp, 2 ngày sau mới có quyết định tạm giữ, bắt người?

Theo phát ngôn của Bộ Công an, ngày 25/9, Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định tạm giữ và lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Quý, 6 ngày sau ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam.

Tuy nhiên, theo thực tế đã diễn ra, khoảng 18h tối 23/9, TS-võ sư Phạm Đình Quý đi ăn cùng vợ thì bị một nhóm người mặc thường phục tự xưng Công an tỉnh Đắk Lắk khống chế, bắt giữ gần trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận 7, TP.HCM), đưa về Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM).

Thông tin về vụ bắt giữ được xác nhận khi sáng 24/9, ông Phạm Đình Phú (anh trai ông Quý) đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM để tìm hiểu và xin gặp ông Quý nhưng không được chấp thuận với lý do “đang bị điều tra nên không được gặp”. Vợ ông Quý được thả ra vào 4h sáng 24/9 sau khi bị buộc ký giấy cam kết không được tiết lộ về cuộc bắt giữ.

Sau đó, ông Quý bị đưa về Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk. Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Đắk Lắk thừa nhận đang tạm giữ ông Hoàng Minh Tuấn và ông Phạm Đình Quý với cáo buộc vu khống và bôi nhọ danh dự người khác

Sau cuộc bắt giữ, tới trưa ngày 30/9, tức sau 7 ngày, gia đình ông Quý mới nhận được giấy báo “Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” đối với ông Quý, do Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đắk Lắk ký ngày 27/9.

Theo Điều 110 Luật Tố tụng hình sự, trong vòng 12 giờ từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Trong vòng 12 giờ sau khi nhận được thông báo của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải phê chuẩn hoặc từ chối, và nếu từ chối thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Theo đó, tổng thời hạn để cơ quan điều tra có quyền tạm giữ người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp là 24 giờ. Tuy nhiên, ông Quý bị bắt giữ tối 23/9, 2 ngày sau, ngày 25/9, Công an tỉnh Đắk Lắk mới ra quyết định tạm giữ và lệnh bắt người, ngày 27/9 mới có giấy thông báo cho gia đình. Điều này vi phạm không chỉ đối với thủ tục bắt mà cả thời hạn thông báo cho gia đình biết (“Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt” – Điều 116).

Căn cứ nào để xác định dấu hiệu tội phạm?

Trước khi bị bắt giữ, khởi tố, ông Quý và ông Tuấn được cho là đã viết đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đạo văn tại luận án tiến sĩ, đơn tố cáo được gửi đến Ủy ban Kiểm tra trung ương và các cơ quan liên quan.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển (báo Pháp luật TP.HCM) phân tích trên trang cá nhân: “Theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc khởi tố vụ án hình sự về tội vu khống chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người bị hại. Với trả lời của Công an Đắk Lắk, có thể hiểu người bị hại ở đây là cá nhân.

Cũng cần nói yêu cầu của người bị hại về việc khởi tố là điều kiện chứ không phải là căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ duy nhất khởi tố vụ án hình sự là dấu hiệu tội phạm (Điều 143 – chú thích). Do đó:

– Nếu chỉ có yêu cầu khởi tố mà không có dấu hiệu tội phạm thì không được khởi tố vụ án hình sự

– Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại nhưng không có yêu cầu khởi tố của bị hại thì cũng không được khởi tố vụ án hình sự.”

Trả lời RFA Tiếng Việt, luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho biết: “Tội vu khống chỉ bắt trong trường hợp người ta tố cáo sai, còn đây sự tố cáo chưa kết luận.”

Điều 29 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT quy định “các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nghiên cứu sinh có quyền khiếu nại, tố cáo về những vi phạm trong tuyển sinh, tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, đánh giá luận án và cấp bằng tiến sĩ. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.”

Người tố cáo có  quyền được bảo vệ trước pháp luật, ngay trong quá trình xác minh thông tin tố cáo, theo quy định tại Điều 4 Luật Tố cáo. “Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo. 

Đối với việc xác định luận án vi phạm sao chép, trích dẫn không đúng quy định, Điều 31 Quy chế xác định thuộc thẩm quyền của Hội đồng thẩm định do thủ trưởng cơ sở đào tạo thành lập, tức Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam (Bộ GTVT) – đơn vị cấp bằng tiến sĩ cấp trường cho ông Cường.

Căn cứ trên kết luận xác minh của Hội đồng thẩm định, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk mới bước đầu có cơ sở xác định ông Quý và ông Tuấn có phạm tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 hay không. Khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk chưa đưa ra được kết luận thẩm định luận án sau tố cáo, ông Quý và ông Tuấn có quyền được bảo đảm an toàn và các quyền và lợi ích hợp pháp.

Nguyễn Quân

Xem thêm: