Từ 1/7 tới, khi người dân điều chỉnh các thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú (dữ liệu số hóa, dữ liệu bản điện tử) và thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp.

thu hoi so ho khau
Việt Nam sẽ thu hồi dần sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, và cập nhật dữ liệu cá nhân trên hệ thống số hóa. (Ảnh minh họa: chiemhoa.gov.vn)

Quy định trên được đưa ra tại Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú 2020 do Bộ Công an ban hành ngày 15/5/2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.

Theo đó, kể từ ngày 1/7 tới, người dân khi đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú sẽ thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp và điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Sổ hộ khẩu đã thu hồi kèm hồ sơ đăng ký cư trú sẽ được chuyển vào tàng thư hồ sơ cư trú, còn Sổ tạm trú đã thu hồi được lưu trữ theo quy định.

Những thủ tục liên quan nhưng không làm thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì người dân sẽ không bị thu hồi sổ và có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2022, căn cứ theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020.

Người cần xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước (không phụ thuộc vào nơi cư trú) để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú; hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm xác nhận thông tin về cư trú dưới hình thức văn bản (có chữ ký và đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) hoặc văn bản điện tử (có chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) theo yêu cầu của công dân.

Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm: thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú. Xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú (do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú), người không có địa điểm chỗ ở cụ thể cần xác nhận về việc khai báo cư trú; có giá trị 30 ngày đối với trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.

Trường hợp thông tin về cư trú của công dân có sự thay đổi, điều chỉnh và được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì xác nhận thông tin về cư trú hết giá trị kể từ thời điểm thay đổi.

Trường hợp nội dung đề nghị xác nhận của cá nhân hoặc hộ gia đình chưa được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì người dân cần làm thủ tục để điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú (gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy t, tài liệu chứng minh việc điều chnh thông tin).

Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015 với tổng vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án này thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích…; Nơi tạm trú; Tình trạng khai báo tạm vắng; Quan hệ với chủ hộ; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của các thành viên hộ gia đình.

Dự án này nhằm cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo nên một hệ cơ sở dữ liệu tập trung và bỏ sổ hộ khẩu giấy, được tiến hành song song với dự án thẻ căn cước công dân gắn chip. Theo công bố của giới hữu trách, đến ngày 1/7, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới hoàn thiện giai đoạn hai, kết nối với dự án căn cước công dân và một số dữ liệu chuyên ngành khác.

Minh Sơn

Xem thêm:

Làm giả giấy tờ “trót lọt”, “biến” người Trung Quốc thành người Việt Nam