Bộ Chính trị Việt Nam quyết định tổng biên chế giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu, trong đó có 65.980 giáo viên bổ sung cho các địa phương.

cong chuc vien chuc tphcm
Hôm 23/6, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết hiện nay, toàn TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quyết định về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.

Theo đó, tổng biên chế giai đoạn 2022-2026 (không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) là 2.234.720 biên chế.

Trong số này có 336.328 biên chế cán bộ, công chức; 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (gồm 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026).

Ngoài ra, có 686 biên chế các hội quần chúng được giao nhiệm vụ ở trung ương; 205.571 cán bộ, công chức cấp xã; 1.358 biên chế công đoàn tạm giao các địa phương.

Cụ thể, khối Quốc hội được giao 1.061 biên chế gồm 787 cán bộ, công chức; 274 viên chức.

Các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội ở trung ương được giao 6.285 biên chế gồm 3.335 cán bộ, công chức; 2.950 viên chức.

Các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương được giao 64.266 biên chế, trong đó biên chế công đoàn là 1.358, còn cán bộ, công chức có 55.949 biên chế, viên chức có 6.959 biên chế.

Chính quyền địa phương được giao 1.908.882 biên chế gồm 140.826 cán bộ, công chức; 1.562.485 viên chức.

Khối Chính phủ có 210.830 biên chế gồm 102.614 cán bộ, công chức; 107.530 viên chức.

TAND Tối cao có 15.237 biên chế; VKSND Tối cao có 15.860 biên chế; Kiểm toán Nhà nước có 2.109 biên chế; Văn phòng Chủ tịch nước có 90 biên chế.

Bộ Chính trị cũng quyết định số biên chế dự phòng cho giai đoạn này là 10.100 biên chế gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức.

TP.HCM dôi dư 5.705 công chức, viên chức

Trước đó, hôm 23/6, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết hiện nay, tổng biên chế công chức trung ương giao cho TP.HCM là 10.869 người, nhưng thực tế HĐND TP.HCM duyệt giao là 14.470 người, tức cao hơn 3.601 người.

Số biên chế viên chức mà HĐND thành phố giao là 99.985 người, cao hơn 2.104 người so với con số Trung ương giao.

Như vậy, toàn TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư.

Lý giải về sự chênh lệch này, theo ông Nhân, số lượng công chức, viên chức chênh lệch đều đang làm việc tại thành phố. Số biên chế tại địa phương nhiều hơn số lượng được Trung ương duyệt có nguyên nhân từ việc tốc độ gia tăng dân số cao, số lượng bệnh viện, trường học tăng dần theo từng năm.

RFA dẫn lời GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng “tình trạng chung của bộ máy hành chính Việt Nam hiện quá cồng kềnh, Chính phủ đã bốn lần đưa ra chủ trương cải cách nhằm tinh giản gọn nhẹ, tìm cách tuyển chọn những người có năng lực qua thi công chức để có thể đảm nhận đúng vị trí mà không bị dư thừa. Việc thi công chức đã tiến hành bảy tám năm nay, nhưng nhiều người vẫn nói không tiếp nhận được những người có năng lực. Chính vì vậy, nhiều nơi có bộ máy lớn nhưng do tuyển không đúng người, nên người có năng lực lại phải gánh vác quá nhiều việc, trong khi những người khác hưởng lương nhưng không làm gì cả.”

Việt Nam hiện nay vẫn chưa xử lý trách nhiệm của người tuyển dụng một cách triệt để. Chủ trương của Chính phủ thì có, nhưng việc thực hiện chủ trương đó hoàn toàn không đúng hướng và không đầy đủ như đã đặt ra, GS Đặng Hùng Võ nói.

Nâng lương giáo viên còn “chờ chuyển động của nền kinh tế”

Tại phiên giải trình hôm 25/2/2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết tính đến tháng 5/2021, cả nước có 1.190.443 giáo viên. Trong đó, công lập 1.108.391, ngoài công lập là 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662.

Tính đến thời điểm hiện nay, ngành giáo dục thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT nhưng lại thiếu 94.714 giáo viên, trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT.

Theo ông Độ, việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo vị trí việc làm và tính chất mức độ phức tạp của công việc, trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu. Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng, trong khi họ phải tham gia đào tạo ít nhất 3 năm. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp (0,20; 0,31; 0,33…) nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.

Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức, nói đây là vấn đề từ nhiều nhiệm kỳ qua. Bộ luôn mong muốn giáo viên phải sống được bằng lương và yên tâm công tác cống hiến cho ngành. Tuy nhiên thực hiện theo Luật viên chức nên xét các mức lương của giáo viên cũng phải theo quy định chung chứ chưa có thang bảng lương riêng với giáo viên. Vì thế, tổng thu nhập so với mức sống nhu cầu thì còn khó khăn.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt câu hỏi với mức lương giáo viên mầm non, phổ thông còn thấp, đặc biệt giáo viên mới đi làm hệ số 2,1, tức chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, liệu có thể là động lực để họ yên tâm sống được với nghề?

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, so với mặt bằng lương của viên chức thì ngành giáo dục cao hơn. Nhưng với đặc thù của ngành, giáo dục đào tạo là “quốc sách hàng đầu” còn có bất cập.

Nếu tăng lương theo lộ trình cho ngành giáo dục cần bình quân 800 tỷ đồng/năm là vấn đề khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, vì vậy cần chờ chuyển động của nền kinh tế. Còn trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì cần xem xét hỗ trợ phụ cấp như các chỉ tiêu năm công tác, và ưu tiên cho giáo viên mầm non, bà Trà nói.

Hoàng Minh