Đây là một trong những chính sách có hiệu lực từ tháng 11/2019.

xam hai tinh duc
Năm 2018, có 1.141 trẻ em bị xâm hại tình dục. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Từ 5/11, Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng trong xét xử án xâm hại tình dục trẻ em chính thức có hiệu lực. Nghị quyết này được cho là sẽ giải quyết được các vướng mắc, khó khăn khi điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em do trước đó chưa có văn bản hướng dẫn chính thức và chưa có định nghĩa thống nhất.

Khoản 1, Điều 146 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo đó, Nghị quyết nói trên đã làm rõ các trường hợp bị xác định là dâm ô với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 BLHS 2015.

Cụ thể, “dâm ô” quy định tại khoản 1 Điều 146 của BLHS là hành vi tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:

  • Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể; hoặc dụng cụ tình dục tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
  • Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
  • Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của người dưới 16 tuổi).

Tuy nhiên, TAND Tối cao cho biết không phải cứ tiếp xúc vào vị trí nhạy cảm của trẻ em đều bị quy kết. Hội đồng thẩm phán hướng dẫn không xử lý hình sự với người trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy trẻ cũng như người khám chữa bệnh hay làm việc vì mục đích giáo dục.

Ngoài ra, từ ngày Nghị quyết có hiệu lực (5/11), trong xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, thẩm phán không cần phải mặc áo choàng đồng phục, hạn chế triệu tập nạn nhân. 

Trường hợp cần triệu tập, thẩm phán không được hỏi nhiều câu một lúc, không được yêu cầu nạn nhân kể lại chi tiết; không dùng câu hỏi khiến các bé cảm thấy xấu hổ, xúc phạm hoặc bị đe dọa. 

Đặc biệt, bản án, quyết định liên quan tới vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi cũng không được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tòa án.

Tuấn Minh

Xem thêm: