Từ câu chuyện tòa nhà Pháp cổ 61 Trần Phú – Quy hoạch Hà Nội dành cho ai?

Tường gạch

Nhiều người yêu di sản Hà Nội đã ngỡ ngàng, tiếc nuối khi tòa nhà Pháp cổ chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương – Trần Phú – Lê Trực – Nguyễn Thái Học, cạnh quảng trường Ba Đình, bị phá dỡ ra tới mặt ngoài để xây cao ốc 11 tầng. Sau hơn một tháng tạm dừng phá dỡ để kiểm tra, mới đây UBND TP Hà Nội ra báo cáo gửi Bộ Xây dựng cho hay công trình Postef cao 11 tầng sẽ xây dựng tại vị trí trên “là phù hợp” và dự án “có thể tiếp tục triển khai”.

61 6

Nghệ sỹ ưu tú Vũ Huy, người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã có buổi chia sẻ dài với Trí Thức VN về dấu ấn ký ức và góc nhìn về đời sống của ông với tòa nhà Pháp cổ ở 61 Trần Phú nói riêng và Hà Nội trong dòng biến động nói chung. Từ câu chuyện tòa nhà Pháp cổ 61 Trần Phú – Quy hoạch Hà Nội là dành cho ai? – câu hỏi ấy như sợi chỉ xuyên suốt buổi trò chuyện với họa sỹ Vũ Huy.

Ong Vu Huy 1 scaled

Ông Vũ Huy được biết đến là họa sỹ thiết kế hàng đầu, thiết kế bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng như “Ngã ba Đồng Lộc”, “Ký ức Điện Biên”, “Đêm hội Long Trì”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Đông Dương”, “Đất nước tươi đẹp”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Kong: Skull Island”…

Là một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ấn tượng của ông về tòa nhà Pháp cổ tại số 61 Trần Phú là gì?

Một điều chắc chắn tôi biết, thời đó tôi đi chơi, đi học, đi qua đó cảm thấy mênh mông, có bốn mặt, một mặt là phố Nguyễn Thái Học, một mặt là phố Lê Trực (hoặc sau này là Trần Phú). Bản chất của tòa nhà đó là một trường học của tu viện, dạy cho con em người Pháp và con em Việt Nam nói tiếng Pháp.

61 3

 

Toàn bộ Xanh-pôn (Saint Paul) là nơi các tu sĩ ở, có một phần nhà thờ. Đại sứ quán Liên Xô cũng là nơi thuộc về các ma sơ. Họ làm các việc nhân đạo như nuôi trẻ con mồ côi, chăm sóc người ốm yếu… nói chung đó là một tổ chức nhân đạo rất tốt của bên Công giáo. Cho nên kiến trúc của nó rất đẹp. Nó được sử dụng cho đến tận năm 1954.

Còn Xanh-pôn sau đó được sử dụng thành bệnh viện. Tại sao lại thành bệnh viện? Vì năm 1946 khi nhiều người bị thương, các ma sơ đưa vào đó, các ma sơ đều có nghề về y tế hết, nên là thành chỗ cứu giúp mọi người. Sau này là cứu chữa cho người ốm, nhưng không phải cơ sở y tế chuyên nghiệp. Cho nên khi người Pháp quay trở lại thì tu viện lại hoạt động bình thường. Ông Xanh-pôn là một ông thánh được dòng này tôn thờ.

Sau năm 54, khi Việt Nam tiếp quản thì thành Bệnh viện Xanh-pôn, còn Đại sứ quán Liên Xô là đối diện Bệnh viện Xanh-pôn.

Sân chỗ đó rất rộng, theo tôi thì sân đó là nơi chơi, đi dạo, để tâm hồn thư thái… cho tất cả học sinh. Xung quanh gần như hình chữ O mà, còn phòng ăn, phòng sinh hoạt… Tôi vào rồi, sân rộng lắm. Đó là trường học của tu viện, có thể ngay từ đầu không phải là trường học mà là tu viện. Nhưng sau đó nhu cầu ngày càng thay đổi thì sử dụng thành trường, chứ trước là nơi ăn ở, sinh hoạt… của các nữ tu.

Sau năm 54, tòa nhà thành nhà máy cơ khí thô sơ. Hồi nhỏ tôi vào rồi, chuyên môn làm mấy cái ốc vít, ốc sườn xe đạp này, máy cơ khí.. Họ đặt những máy nặng vài tấn lên mặt gỗ lim lên trên sàn nhà, sàn nhà thời Pháp mà. Những cái máy lớn bằng cả cái nhà, đen thùi thũi… Mỗi máy khoảng 2-3 công nhân, tiện, đục, khoan…

Sau này mới làm thành nhà máy, chứ trước đó là trường học đấy chứ, sân rộng lắm. Cửa sổ cao lắm, ánh sáng vào đẹp lắm, để trẻ em, học sinh vào đó học.

Cho nên tòa nhà đó nếu làm đúng, là giữ được kiến trúc và sử dụng nó thành một trường. Bây giờ chỉ cần giữ nguyên căn nhà đó thôi, cùng lắm là hạ những cửa sổ xuống cũng được, nhưng vẫn phải giữ được kiến trúc cửa sổ Pháp.

Chứ lại phá đi rồi làm dự án, tôi đã xem bản vẽ…. Nhưng đó là một sự tất yếu của quan điểm quản lý hiện nay. Có một câu nói kinh điển thường được nhắc đến: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác” (Nhà thơ Abutalip của Đaghextan).

Tuy nhiên, những người ủng hộ việc xây mới cho rằng không thay thế thì góc phố đó không thể phát triển lên được.

Phá đi thì chắc chắn làm giàu cho một tư nhân, là vừa phá kiến trúc Hà Nội, vừa phá lịch sử Hà Nội trong khi mình trân trọng từng cái xe đạp, từng đồ vật, mà lại phá cả một cái nhà. Diện tích ấy làm thành một trường học hoặc một nơi cho các cháu, một vài cái sân, một vài bể bơi, còn lại làm xưởng học vẽ… Xin nói rằng sinh hoạt văn hóa tại Hà Nội đang là quá thiếu. Sang bên kia mà học người ta, chỉ 200 nghìn dân thôi đã có một cơ sở vừa thể thao vừa văn hóa. Đây 10 triệu dân mà vẫn cứ phá đi.

Nếu đã nói đến đời sống văn hóa tại Hà Nội, ông có cho rằng thành phố đang bị thiếu…?

rap MajesticKhi Hà Nội năm 54 tiếp quản thủ đô, dân Hà Nội chưa đến 700-800 ngàn dân. 24 rạp chiếu phim, mà ít nhất 15 rạp là như ở Paris, sau đổi tên thành rạp Tháng 8 chứ trước là Majestic, rạp Công Nhân, Đại Đồng, Long Biên… văn minh lắm chứ. Bây giờ các rạp chiếu phim bị phá bán cho tư nhân còn đâu nữa. Đống Đa có một rạp, đường Thái Thịnh có một rạp rất lớn, đường Phố Huế có rạp Tháng 8 và một rạp ờ Bờ Hồ nữa gọi là rạp Hòa Bình, hồi đó là dành cho trẻ con. Một rạp nữa ở gần đối diện Tràng Tiền, nằm trên đường Hàng Bài, gọi là rạp Kim Đồng, cũng xây từ thời Pháp đấy.

Nguyễn Biểu, Khâm Thiên, Hàng Gà đều có một rạp, rạp Long Biên ở gần chợ Đồng Xuân… Toàn rạp đẹp, to, ngày nhỏ tôi đều xem hết rồi. Còn gần nhà tôi là rạp Kinh Đô Cửa Nam. Bây giờ phá hết rồi còn đâu.

Đó là luật của nước Pháp và của các nước văn minh. Anh làm quy hoạch thành phố anh phải đảm bảo 200 nghìn dân phải có mấy trung tâm thể thao, phải có mấy sân tennis, phải có bể bơi, phải có nhà văn hóa v.v… thì mới gọi là thành phố. Như mình chẳng có gì, có mỗi cái vườn hoa, còn lại làm nhà cao tầng, ngày nào cũng tắc, giờ nào cũng tắc. Giờ cao điểm, trẻ thiếu niên, trẻ sơ sinh, bố mẹ đi đường cùng hít khói.

Khi đô thị bị “ngộp” như vậy, phải chăng những tòa nhà như 61 Trần Phú với nhánh đường xung quanh là một nơi để thành phố “thở”?

Cho nên tôi nói căn nhà đó mà giữ lại được là tốt. Đã trót phá rồi thì phục hồi lại, giữ nguyên kiến trúc, làm thành một điểm nhấn.

Vậy, không lẽ cứ kiến trúc thời Pháp là phải giữ?

Đương nhiên, kiến trúc của bất cứ thời nào đều phải giữ cả. Nếu nói thế thì phá hết, cái gì cũng phá được. Thiếu gì đất, thích xây thì sang Đông Anh, bên đó còn đầy quỹ đất, mà lại có ích vì tạo thành một “Hà Nội mới”. Chẳng qua là cứ lao vào phổ cổ, tưởng kiếm tiền được chứ thật ra là phá hoại.

HN 3

Theo Sở Quy hoạch Hà Nội, công trình 61 Trần Phú không nằm trong danh mục tập trung bảo tồn. Còn theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, kết cấu, kiến trúc của dãy nhà Pháp cổ ở quận Ba Đình “không có gì đặc biệt”. Vậy phải chăng việc thay thế là do các nhà quản lý chưa hiểu được giá trị văn hóa của các tòa nhà cổ?

Tôi nói anh nghe, họ hiểu hết, nhưng họ không có cái tầm văn hóa ấy. Cái tư duy nó xuất phát từ hai điều, đầu tiên là cái gốc văn hóa, văn hóa ở đây gồm có cả lịch sử, những gì cần phải nhớ, những gì cần phải giữ; rồi văn hóa ở đây là những hiểu biết về văn hóa – thế nào là Hà Nội, thế nào là Đà Nẵng, thế nào là Ninh Bình, thành Sơn Tây có giá trị gì, Đường Lâm có giá trị gì. Đó là những cái về mặt kiến trúc. Còn những giá trị khác, họ không đọc, không hiểu, họ không cảm nhận được.

Họ thực ra còn đi du lịch nước ngoài nhiều hơn mình, nhìn thấy người ta trân trọng từng viên đá ở thành Troy thế nào, cây cầu Pont Neuf ở Pháp thế nào… để người ta giữ được Paris ngày hôm nay, để người Pháp vẫn là người Pháp, người Paris vẫn là người Paris, yêu, lãng mạn, mơ mộng và vì đất nước.

Nhưng họ về đây lại chỉ vì tiền thôi. Họ biết rõ nếu giữ được những kiến trúc đó mà làm thành một nơi cho các cháu bé đến học nhạc họa thôi, chưa nói tới bể bơi, đã tuyệt vời. Sẽ đào tạo ra những tâm hồn người Việt Nam văn minh tương đương với các nước văn minh, không cần so với châu Âu, cứ so với Thái Lan, Maylaysia, Đài Loan, Singapore… Đổ một đống sắt thép bê tông vào đó, làm một thứ vô nghĩa để kiếm tiền cho một vài cá nhân… Chắc chắn ở đó sẽ tắc đường. Vốn không có hoạt động kinh tế mà ở đó đã đông rồi.

Cho nên, nếu Hà Nội nhìn thấy điều ấy, bắt bên nào đập phải phục hồi, hoặc quả thật Nhà nước không có tiền thì kêu gọi công dân Hà Nội đóng góp để làm lại đúng kiến trúc xưa.

Đó là ngôi trường đấy. Tôi nhớ thế hệ bố mẹ, chị rồi bạn của tôi học tiếng Pháp ở đó, các bà sơ dạy tiếng Pháp, dạy các bài thơ truyện ngụ ngôn của La Fontaine, của Victor Hugo, và tất nhiên, họ dạy theo kiểu văn hóa Pháp, văn hóa châu Âu, cảm nhận là cảm nhận của người Việt. Đừng có sợ lai căng, vẫn thuần Việt nhưng ở cấp độ khác.

61 5

 

Vậy theo ông, tòa 61 Trần Phú ngoài giá trị lịch sử, về mặt kiến trúc có điểm gì đặc biệt?

Tôi cho rằng đó là một kiến trúc quý. Vì sao? Thứ nhất về mặt lịch sử, tòa nhà đã có trên 100 năm rồi. Ở góc độ nào đó, nó đánh dấu được một loại kiến trúc vào đầu thế kỷ 20, rất đặc biệt. Nó là giống Nhà hát Lớn, Tòa nhà Metropole, rất cầu kỳ, rất đẹp. Thứ hai là công dụng, tòa nhà được sử dụng vào một việc rất có ích. Cho nên việc phá đi để xây một tòa nhà, bất kể là một tòa nhà gì thì cũng là phá đi một kiến trúc, một ký ức, một giá trị tinh thần không thể tính bằng tiền được.

Cho nên việc phá đi để xây một tòa nhà, bất kể là một tòa nhà gì thì cũng là phá đi một kiến trúc, một ký ức, một giá trị tinh thần không thể tính bằng tiền được.

Về mặt kiến trúc thì người Pháp đã tạo ra một loại kiến trúc mới. Thời đầu họ bê nguyên kiến trúc sẵn có, sau đó dần sửa đổi cho phù hợp với văn hóa bản địa. Từ vật liệu, kích thước, yếu tố thời tiết, khí hậu… khác nhau hoàn toàn. Miền Trung khác, miền Nam khác, miền Bắc khác. Xây một căn nhà ở Đà Lạt thì phải khác, vì Đà Lạt có đủ 4 mùa trong một ngày thì đương nhiên kiến trúc phải khác, cũng cái nhà ấy nhưng làm ở miền Tây thì phải khác.

Người Pháp sang giữ nguyên khu phố cổ, chỉ xây xung quanh, tức là có tiếp nối thế hệ – đó là nguyên tắc, như vậy mới phong phú về kiến trúc, giữ được những gì thuộc về thời xưa.

Cho nên, phá bỏ một tòa nhà như vậy và xây thành một tòa nhà mười mấy tầng làm trung tâm thương mại thì thành một cái tội. Nhưng thật ra người dân mình không quan tâm. Với những việc lớn, cộng đồng thì lãnh cảm, thấy không phải việc của họ.

Theo ông, những điểm sáng về quy hoạch mà ta nên học từ người Pháp là gì?

Pháp không có gì mới về quy hoạch mặc dù họ tiên tiến về quy hoạch. Bởi vì sao? Vì bản thân thủ đô Paris đã có lịch sử hàng nghìn năm rồi. Cho nên người Pháp đã quen sống trong một quy hoạch từ ngày xa xưa rồi. Người Pháp xưa nay rất tôn trọng việc quy hoạch, khi sang Việt Nam, những quy định về kiến trúc, quy hoạch đã được đặt ra từ những năm 20, 30, duyệt rất khắt khe, Pháp áp dụng để văn minh hóa Việt Nam. Cho nên việc quy hoạch Hà Nội được đặt ra rất rõ ràng, một khoảng dân bao nhiêu thì bao nhiêu vườn hoa… ví dụ, ở khu vực Nguyễn Thái Học một vườn hoa, ở Cửa Nam một vườn hoa, bây giờ bỏ rồi…. Rồi sân vận động, Hà Nội ngày xưa có mấy sân vận động, sân Quần Ngựa, sân Hàng Đẫy, sân Long Biên…

Những quy định về quy hoạch, giờ họ học hết nhưng họ không làm. Như cái nhà 45 tầng, vỉa hè ra đường đi luôn, trên nhà rơi xuống cái cốc ở dưới chết người. Về nguyên tắc, làm nhà cao bao nhiêu thì sân phải rộng bao nhiêu. Đây giao thông chính nằm cách cái vỉa hè ấy có đến 8m không? 8m là dòng người đi cuồn cuộn.

Rồi khoảng cách từ nhà đến tường rào là bao nhiêu, từ tường rào ra đến đường là bao nhiêu. Thậm chí là từ nhà này đến nhà kia cửa sổ cách nhau bao nhiêu, tất cả đều phải giật lùi vào hết. Nếu tôi nhớ lại những nhà bạn bè tôi đã từng ở – là những biệt thự xây khoảng năm 1946 thì giữa hàng rào vào đến nhà ít nhất phải 4-5m. Bạn đi qua những biệt thự Pháp trên đường Điện Biên, đường Trần Phú là như thế hết, thậm chí còn xa hơn. Người ta duyệt kiến trúc hết, 3 tầng là 3 tầng, kiến trúc phải cùng một kiểu kiến trúc.

Kiến trúc bây giờ theo quan điểm của tôi là ai có tiền, mua đất hợp pháp, muốn xây cái gì thì xây. Bây giờ là thế, cứ có sổ đỏ, tôi xây theo kiểu của tôi, bản vẽ nộp lên làm vì thôi. Ai có lương tâm thì nghiên cứu, xây hài hòa với xung quanh, còn không thì cứ rẻ nhất, cao tầng, nhiều diện tích cho thuê là xây. Còn ông quy hoạch không can thiệp. Chứ nói đúng ra, chỗ này quy hoạch chỉ được 3 tầng thì tất cả phải bằng nhau, không giật cấp bên cao bên thấp được. Tầng 1, cốt 0, cốt 3… bằng nhau hết, còn kiến trúc thế nào thì tùy, nhưng nó phải cùng ngôn ngữ, chứ không phải bên ban công kiểu Tây Ban Nha, bên ban công kiểu Mỹ…

Vậy vai trò của nhà nước trong vấn đề quy hoạch là gì, thưa ông?

Nhà nước để làm gì? Nhà nước để điều hành theo luật. Luật là ai đưa ra? Là dân, là Quốc hội đưa ra. Nhưng luật của nước ngoài được tôn trọng.

Trở lại câu chuyện thực tế, tòa cao ốc 11 tầng nếu được xây dựng, theo ông sẽ gây nên những ảnh hưởng gì?

Tòa nhà này nếu được xây, đầu tiên sẽ ảnh hưởng tới giá trị văn hóa, giá trị lịch sử và giá trị sử dụng, chưa nói đến hệ thống quy hoạch về vệ sinh, về giao thông… Tất cả mọi thứ ở đấy vốn đã quá tải, bây giờ xây một trung tâm thương mại ở đó đặt ra một câu hỏi lớn.

Tòa nhà 11 tầng sẽ cao hơn 100m, sẽ to lắm, phá vỡ phong thủy, phá toàn bộ khung hình, có thể gây mất an toàn quốc gia đối với khu vực trung tâm chính trị như Ba Đình.

Riêng về mặt không gian, vào những ngày lễ lớn tổ chức ở khu Ba Đình, khi tổ chức các hoạt động kỷ niệm, duyệt binh ở khu vực quảng trường, thì tòa nhà đó chắc chắn là che chắn không gian khủng khiếp. Hướng xuất phát của các đoàn duyệt binh, đoàn diễu hành, rồi máy bay trên trời đều bị tòa nhà ấy che chắn mất toàn bộ tầm nhìn, máy quay gần như không quay được nữa. Đưa hình ảnh Việt Nam ra quốc tế kiểu gì?

Còn về mặt tâm linh, đấy là hướng Nam, là hướng rất tốt cho khu Ba Đình, Phủ Chủ tịch và cả một khu cực lớn phía trong.

Và những gì mà Hà Nội mất không chỉ là một tòa nhà cổ…?

Bảo là cái nhà này [tòa nhà Pháp cổ] không có giá trị, không là gì cả… nhưng tôi có thể nói ngay là các nhà kiến trúc ấy được học, được đào tạo ở phương Tây, họ chắc chắn biết là ở nước Ý người ta trân trọng từng viên đá từng tòa nhà vô tri vô giác của dân thường, chẳng cần phải là có giá trị lịch sử, có lãnh tụ nào đi qua nhưng họ vẫn giữ đến tận bây giờ. Và rõ ràng là đến giờ người dân mới được hưởng, nhân loại được hưởng. Họ là giữ cho nhân loại.

Đó là điều mà các kiến trúc sư ủng hộ tháo dỡ ngôi nhà đều biết, họ được học hết nhưng họ cố tình muốn phá nên nói thế thôi. Họ quan niệm rằng di sản mới cần phải giữ, phải là có giá trị lịch sử theo kiểu biểu tượng chiến tranh hay là có vị lãnh tụ nào đi qua… Đó là quan niệm què quặt, không phải là quan điểm chính thống được dạy. Quan điểm chính thống được dạy trong kiến trúc là tất cả những giá trị kiến trúc cũ nếu còn, thì phải giữ! Nếu cứ nói không có giá trị [kiến trúc] và phá, thì còn gì giữ lại cho con cháu?

Nếu họ được học thì họ phải hiểu rằng những kiến trúc ấy là quý, phải giữ, phải trân trọng. Nếu giữ mà còn phát huy được hơn nữa, thì lại càng đáng quý, là biến tòa nhà ấy thành một kiểu có ích, về mặt du lịch hay là hoạt động [sinh hoạt cộng đồng] như thế nào đó. Chứ còn phá đi làm cái khác thì…

Mình có một người bạn làm kiến trúc, kém khoảng 7, 8 tuổi. Cậu ấy viết trên Facebook rằng tòa nhà ấy chẳng có giá trị kiến trúc gì, phá đi được. Đấy, đó là cái quan điểm kiến trúc không có giá trị thì phá… [im lặng một lúc]

Chỗ đấy đẹp hơn cả Bệnh viện Xanh-pôn. Nếu Xanh-pôn vẫn còn trường dòng, không đẹp bằng cái nhà ấy. Cái nhà ấy là một kiểu kiến trúc rất ấn tượng, rất lạ… trông rất đơn điệu, nhưng mà nó rất lạ…, có cái gì đó huyền bí. Ngày xưa mỗi lần đi qua đó, tôi cảm thấy nó lung linh như là có một câu chuyện… Nó huyền bí, vì trông nó kín đáo. Không ai nghĩ là trong đấy có một nhà máy đang hoạt động, nghe kỹ thì thấy lách cách lách cách, chuỵch chuỵch chuỵch, tiếng máy chạy… không ai nghĩ đấy là một nhà máy. Nhìn bề ngoài nó đẹp lắm, ngày xưa nó đẹp lắm, mái ngói hết cơ, không phải mái tôn như trước khi phá. Có một thời sau này tôi đi qua thấy mái tôn, tôn đỏ, nó xuống cấp nhưng không ai quan tâm.

Cảm ơn ông về buổi trò chuyện.

Minh Ngọc – Vĩnh Long

Bình Luận