Trước việc chính quyền địa phương bút phê “chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước” vào sơ yếu lý lịch của các tân sinh viên – khiến các em lo ngại việc nhập học gặp khó khăn, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định không cần sơ yếu lý lịch trong thủ tục nhập học.

xac nhan so yeu li lich
Trong 5 loại giấy tờ cần có trong hồ sơ thí sinh trúng tuyển nộp vào trường, không có lý lịch học sinh, sinh viên. (Ảnh: dct.udn.vn)

Thời gian gần đây, một số sinh viên bị đại diện chính quyền địa phương bút phê “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương” vào sơ yếu lý lịch, gây khó cho việc nhập học và xin việc làm khiến dư luận bức xúc.

Trước đó, ngày 8/8, em Ngô Việt A. (xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) vừa trúng tuyển đại học có mang sơ yếu lý lịch đến xã Duyên Hà xin dấu để làm hồ sơ nhập học. Tuy nhiên, cán bộ tiếp dân thông báo gia đình em A. chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới, gồm: 300.000 tiền làm đường, 130.000 tiền điện chiếu sáng mỗi khẩu,… nên không được xã xác nhận.

Ngày 9/9, em A. tiếp tục lên xã xin dấu, cán bộ tiếp dân phê vào phần lý lịch của em A. là “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương” rồi yêu cầu em A. mang cho chủ tịch xã ký, đóng dấu.

Trước sự việc xảy ra, ông Vũ Văn Nhàn – Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng khi người dân chưa thực hiện nghĩa vụ nông thôn mới, xã phải mời lên giải thích chứ không thể bút phê vào giấy tờ cá nhân như thế, vì bản thân em A. không có lỗi gì trong chuyện đó. Đồng thời, UBND huyện khẳng định “sẽ nhắc nhở, rút kinh nghiệm với xã”, và công bố thông tin đến toàn bộ lãnh đạo các xã khác trong huyện trường hợp ở xã Duyên Hà, yêu cầu làm đúng quy định pháp luật trong việc xác nhận lý lịch của công dân.

Ngày 10/8, xã Duyên Hà đã bút phê lại vào sơ yếu lý lịch của em A. với nội dung: “Bản thân và gia đình luôn chấp hành pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương“.

Trường hợp thứ hai xảy ra tương tự với anh Nguyễn Danh Cường (xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ngày 7/8, anh Cường có mang lý lịch của em gái – sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học đến xã An Bình để xin đóng dấu làm thủ tục xin việc làm. Ông Trương Phúc Thực – Phó chủ tịch xã đã viết vào phần xác nhận trong sơ yếu lý lịch với nội dung: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”.

Bức xúc và lo lắng em gái mình không xin được việc, anh Cường đã làm đơn phản ánh tới cơ quan chức năng và đưa sự việc lên mạng xã hội.

Lý giải về sự việc, ông Lê Đình Khoa – Chủ tịch xã An Bình cho biết năm 2016 xã thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới trong đó có việc làm đường giao thông thôn, xóm. Xã An Bình có tính toán phân bổ mỗi khẩu đóng góp 2 triệu đồng, thời hạn cuối cùng các hộ dân tham gia hỗ trợ là ngày 9/8. Gia đình anh Cường có 6 khẩu, số tiền phân bổ là 12 triệu đồng nhưng chưa đóng góp. Tuy nhiên, việc đóng góp là tự nguyện, không bắt buộc. Việc làm của ông Thực khi bút phê vào phần xác nhận là sai với pháp luật.

Ngày 8/8, Đảng ủy xã An Bình đã họp, kiểm điểm ông Trương Phúc Thực và đã cử lãnh đạo xuống nhà anh Cường để gia đình mang hồ sơ lên UBND xã xác nhận lại.

Theo ông Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (thuộc Bộ Tư pháp), từ năm 2014, Cục đã hướng dẫn các địa phương thực hiện việc xác nhận sơ yếu lý lịch. Theo đó, UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.

Thay vào đó, UBND xã, phường, thị trấn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và tin tưởng vào nội dung đã khai thì xác nhận đúng.

Tân sinh viên nhập học không cần sơ yếu lý lịch

Về việc sơ yếu lý lịch có ảnh hướng tới sinh viên nhập học hay không, bà Lê Thị Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết ngày 12/10/2007, Bộ GD&ĐT có ban hành Quyết định số 58/2007, trong đó Điều 4 quy định hồ sơ nhập học của sinh viên cần 8 loại giấy tờ, trong đó có sơ yếu lý lịch của sinh viên.

Tuy nhiên, ngày 25/1/2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2017 về Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, trong đó, tại Khoản 3 Điều 14 của Quy chế quy định hồ sơ thí sinh trúng tuyển nộp vào trường 5 loại giấy tờ, gồm: Học bạ, Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học tạm thời (hoặc bằng tốt nghiệp trung học (nếu có), Giấy khai sinh, Các minh chứng để được hưởng chế độ ưu tiên, Giấy triệu tập trúng tuyển. Trong đó không có lý lịch học sinh, sinh viên.

Bà Dung cũng cho biết thêm theo quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Như vậy, từ năm học 2017, học sinh, sinh viên khi làm thủ tục nhập học không cần phải làm xác nhận sơ yếu lý lịch.

Nếu có yêu cầu, học sinh, sinh viên thực hiện việc xác nhận nội dung khai trong sơ yếu lý lịch tại UBND các phường, xã nơi cư trú tuân theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Cùng với đó, trước ý kiến về việc hồ sơ học sinh, sinh viên được bán phổ biến hiện nay có đóng dấu đỏ của Bộ GD&ĐT, bà Dung khẳng định: “Bộ không phát hành mẫu Lý lịch học sinh, sinh viên“.

Trần Tâm

Xem thêm: