Sau hơn 5 tháng triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 trên toàn quốc (từ tháng 7/2021), tại công bố mới đây, Bộ Y tế Việt Nam điều chỉnh từ 3 nhóm người cần trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19 xuống còn 2 nhóm, đưa nhóm “có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng” khỏi diện trì hoãn tiêm. 

f0 tai nha tphcm 1
Nhân viên y tế tuyến phường 5, quận 11 (TP.HCM) đến nhà F0 để khám, tư vấn, phát thuốc và kiểm tra sức khỏe, tháng 9/2021. (Ảnh: trungtamytequan11.medinet.gov.vn)

Ngày 21/12, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên, thay thế bản hướng dẫn ban hành và áp dụng từ ngày 10/9.

So với hướng dẫn trước, chỉ còn 2 nhóm người cần trì hoãn tiêm chủng, gồm người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Nhóm “có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng” được đưa ra khỏi diện trì hoãn tiêm vắc-xin COVID-19.

Theo Bộ Y tế, người đủ điều kiện tiêm chủng là người độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine.

Sau khám sàng lọc, người đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được chỉ định tiêm ngay, chỉ trì hoãn tiêm với trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn (người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần).

Trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3, với bất kỳ nguyên nhân gì, sẽ tiêm ở cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ.

Nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng, phải khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng, gồm:

  • Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;
  • Người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi;
  • Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu;
  • Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên;
  • Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.

Nhóm chống chỉ định, tức không tiêm vắc-xin COVID-19, gồm người có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc-xin COVID-19 cùng loại (lần trước) hoặc có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên sau khi được giải thích về nguy cơ và lợi ích của việc tiêm vắc-xin COVID-19, nếu đồng ý tiêm thì cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.

Đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, nhân viên y tế cần đối chiếu với hướng dẫn sử dụng vắc-xin để chỉ định loại vắc xin được phép sử dụng (hiện trong các loại vắc-xin COVID-19 mà Bộ Y tế đã phê duyệt, chỉ vắc-xin Sputnik V là không được sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú).

Theo Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 22/12, Việt Nam đã tiêm 140.438.803 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.115.342 liều, tiêm mũi 2 là 62.959.544 liều, tiêm mũi 3 (mũi bổ sung/nhắc lại và mũi 3 của vắc-xin Abdala) là 1.363.917 liều.

Tổng số ca nhiễm ghi nhận là 1.571.780 ca, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.937 ca nhiễm).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến nay là 30.041 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm, xếp thứ 29/234 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Xét tỷ lệ số ca tử vong trên 1 triệu dân, Việt Nam xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong của Việt Nam xếp thứ 7/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN); về tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân, xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Minh Sơn

Xem thêm: