Chiêu thức “con bị tai nạn đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp để nhập viện” từ TP.HCM nay đã xuất hiện tại Hà Nội. Các phụ huynh cần chú ý để tránh bị lừa đảo.

tu tp hcm nay xuat hien o ha noi chieu lua con nhap vien chuyen tien gap
Hiện có 2 phụ huynh Trường THPT Chu Văn An đã nhận được cuộc gọi của kẻ lừa đảo. (Ảnh: Khôi Đặng Huy/Google-maps)

Sáng ngày 14/3, nhiều trường học ở Hà Nội đồng loạt thông báo cho phụ huynh học sinh cảnh giác với chiêu lừa đảo “con bị tai nạn đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp để nhập viện”. Màn kịch này sau khi “tung hoành” ở TP.HCM nửa tháng qua, nay đã xuất hiện tại Hà Nội.

Mới đây, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) cho biết có 2 phụ huynh học sinh tại trường này nhận được tin nhắn, mạo danh giáo viên, nhân viên y tế, giục “chuyển tiền gấp, con bị tai nạn nhập viện”.

Tuy nhiên, trước đó, các phụ huynh này biết thông tin về vụ lừa đảo tương tự đã xảy ra ở TP.HCM nên cảnh giác, xác minh thông tin từ giáo viên, nhà trường nên đã không mắc bẫy lừa đảo.

Nhận được thông tin, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (TP. Hà Nội) cũng như Trường PTCS Xã Đàn đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến toàn thể phụ huynh để cảnh báo về hành vi lừa đảo trên.

Nhiều phụ huynh ở các trường khác tại Hà Nội cũng nhận được thông tin cảnh báo tương tự của nhà trường. Có những nhóm phụ huynh cũng cùng thảo luận về thông tin này để tìm biện pháp đối phó.

Đồng thời, vụ việc cũng được nhà trường trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.

Nhóm lừa đảo nắm rất rõ thông tin của học sinh, tên chính xác của giáo viên, môn dạy. Phụ huynh nhận được tin nhắn tương tự cần báo ngay với ban giám hiệu hoặc giáo viên nhà trường để xác minh, tránh chuyển tiền cho những người xấu.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM – ông Nguyễn Văn Hiếu, trong 2 tuần đầu tháng 3, ở TP.HCM có khoảng 10 phụ huynh bị kẻ xấu nhắn tin, gọi điện lừa đảo với chiêu thức trên. Các phụ huynh do lo lắng cho con nên không kịp xác minh thông tin với nhà trường và bị chiếm đoạt số tiền hơn 200 triệu đồng.

Ông Hiếu nói thêm, với tình trạng trên, các giáo viên chủ nhiệm phải sẵn sàng nghe điện thoại, trao đổi với phụ huynh về tình hình của học sinh, tránh trường hợp phụ huynh không liên lạc được với giáo viên, hốt hoảng và chuyển tiền cho người lạ.

Ngày 11/3, lãnh đạo Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cũng cho biết giáo viên, phụ huynh của trường những ngày qua cũng liên tục nhận nhiều cuộc gọi cùng với chiêu thức lừa đảo như ở TP.HCM, cần chuyển gấp 20 triệu đồng.

Thạch Lam