Việc cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) liệu có gây ra “thảm họa môi trường” thứ 2 tại Việt Nam? Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung của Bộ TN&MT liệu có đủ đảm bảo tính công khai và minh bạch với công bố biển miền Trung an toàn khi các số liệu chất lượng quan trắc chi tiết chưa được đưa ra? Việc di dời mộ vợ vua Tự Đức để làm bãi đỗ xe 17 ha theo như phương án của chính quyền TP. Huế liệu có còn là vấn đề riêng của dòng họ Nguyễn Phước khi UNESCO đã từng đưa ra cảnh báo “quần thể di sản kiến trúc triều Nguyễn Việt Nam đang gặp nguy hiểm” vào năm 2014 (mặc dù chưa công bố trước thế giới đánh giá này)?,…

bien 4
Tài nguyên biển Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ bị tổn hại, khó có thể phục hồi.

Đã có lời cảnh bảo về “thảm họa môi trường” thứ 2 tại Việt Nam được đưa ra đối với việc cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận), tuy nhiên Bộ TN&MT khẳng định bùn cát thải nhận chìm tại biển Bình Thuận không ảnh hưởng lớn tới KBT Hòn Cau.

Trong khi các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động môi trường – xã hội lên tiếng không đồng thuận về việc cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) vì lo ngại những vấn đề hủy hoại môi trường biển nói chung và khu bảo tồn biển Hòn Cau (cách vị trí nhận chìm 8 km) nói riêng thì Bộ TN&MT tiếp tục khẳng định số bùn cát thải nhận chìm này đảm bảo theo các quy định về an toàn cho môi trường biển.

UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc kiến nghị Bộ TN&MT xem xét lại việc cấp phép, đề xuất việc tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda, các cơ sở sản xuất tôm giống, khu lấy nước nuôi tôm trước khi bắt đầu hoạt động nhận chìm để làm cơ sở so sánh, đối chứng với trước, trong và sau khi có hoạt động nhận chìm theo giấy phép.

13 tổ chức xã hội cũng đã soạn 5 nội dung kiến nghị mong muốn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét lại việc cấp phép, công bố minh bạch các thông tin về đánh giá tác động môi trường của dự án, các hoạt động cụ thể của việc nhận chìm,…

Theo giấy phép được phê duyệt, vị trí nhận chìm cách Hòn Cau 8 km, tổng diện tích được phép nhận chìm là 30 ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá -36 m. Trong đó: 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, cát kết phong hóa, cát phong hóa, sét cát, sạn sỏi thu được từ việc nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

khu bao ton bien hon cau 5
Hòn Cau – Bãi đẻ của loài rùa biển cần được bảo vệ. (Ảnh: FB Khu bảo tồn biển Hòn Cau)

Một năm sau thảm họa Formosa và môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ TN&MT công bố kết quả quan trắc chất lượng nước biển (bao gồm nước biển và trầm tích biển) và khẳng định biển tại khu vực 4 tỉnh đã an toàn đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước.

Theo Bộ TN&MT, các thông số quan trắc thu được tại môi trường biển 4 tỉnh ven biển miền Trung đều đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT: 2015/BTNMT, tuy nhiên, các thông số chất lượng chi tiết không được đưa ra trong bản công bố hiện trạng.

Ngày 20/7 tới, Bộ TN&MT sẽ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 với chủ đề “Môi trường đô thị”, nhằm cung cấp bức tranh tổng quan về hiện trạng môi trường đô thị trong giai đoạn 2012-2016; đồng thời đề xuất những định hướng, giải pháp để bảo vệ môi trường đô thị trong thời gian tới.

Việc di dời mộ vợ vua Tự Đức để làm bãi đỗ xe 17 ha khu tham quan du lịch lăng Tự Đức và Đồng Khánh của chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị không còn là việc riêng của dòng họ Nguyễn Phước khi đại diện Hội đồng Trị sự của dòng họ cho biết dòng họ sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và UNESCO với mong muốn khôi phục lại lăng mộ tại vị trí cũ và yêu cầu chủ đầu tư bồi hoàn để làm lại lăng mộ của bà theo thiết kế của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế.

Bài học về sự mất mát và không tôn trọng các giá trị lịch sử trong bảo tồn di sản – giá trị chung của cộng đồng, dân tộc đã từng được biết tới khi Thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) bị tước danh hiệu di sản thế giới vào năm 2009 vì xây một cây cầu hiện đại với bốn làn xe đã phá vỡ cảnh quan toàn vẹn của di sản (dù trước đó đã được công nhận là di sản thế giới vào năm 2004). Ba năm trước khi bị loại khỏi danh sách, năm 2006, UNESCO đã đặt di sản này vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa và cảnh báo sẽ loại tên thung lũng này khỏi danh sách di sản thế giới. Năm 2008, Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đã quyết định tạm giữ tên thung lũng này trong danh sách di sản thế giới với hy vọng kế hoạch xây dựng cây cầu 4 làn xe sẽ được ngưng lại và sự toàn vẹn của cảnh quan được phục hồi. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, năm 2009, UNESCO đã  chính thức xóa tên thung lũng khỏi danh sách di sản thiên nhiên thế giới khi cây cầu được xây dựng.

Các vụ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn tiếp tục được ghi nhận tại các địa phương khiến cộng đồng thực sự lo lắng về chất lượng nước, đất cho môi trường sinh hoạt của con người và hoạt động sản xuất: Gần 60 tấn cá chết bất thường tại hồ thủy điện Plei Krông; Hơn 3,5 tấn cá trên sông Bồ (Thừa Thiên – Huế) tiếp tục chết hàng loạt,…

Minh Hợp

Xem thêm: