Hơn 27.600 m đê vỡ, sạt trong 7 ngày mưa lũ lớn; Lãnh đạo Chi cục Đê điều Hà Nội: Đê Hữu Bùi ‘vỡ là có kế hoạch’; 31 hồ thủy điện đồng loạt xả lũ; Nổ mìn phá đá để tìm các nạn nhân trong vụ sạt lở tại Hòa Bình… là những tin tức cập nhật trong thiên tai, nhân tai mưa lũ lớn vừa qua.

Ngoài ra, các tin tức thời sự đáng chú ý khác như:

  • TP.HCM: Rò rỉ khí amoniac, động vật chết vì ngạt khí, sơ tán khẩn cấp hơn 1.000 người;
  • ‘Ai học thật bằng giả và ngược lại thì khẩn trương báo cáo’;
  • Sẽ miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT;
  • Đồng ý cho Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nghỉ hưu sớm 2 năm;
  • Bộ Y tế: 9 tháng đầu năm ‘chưa phát hiện ai tham nhũng’;
  • BOT Biên Hòa thu phí trở lại từ 16/10, giảm 20% giá vé;
  • Cử tri kiến nghị dừng thu phí tại trạm BOT Ea Đar và Nhà nước mua lại trạm – Bộ GTVT không chấp thuận…
sat lo hoa binh01
Hàng ngàn m3 đất đá sạt xuống tại hiện trường vụ sạt lở rạng sáng 12/10 xuống xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình). 4 gia đình – 18 người bị vùi lấp trong đêm. (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Tính đến 21h ngày 14/10, theo cập nhật của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đã có tổng 68 người chết, 34 người mất tích, 32 người bị thương trong mưa lũ.

Theo đó, sau 7 ngày mưa lớn, con số thương vong toàn vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã lên tới 134 người, trong đó số người chết gấp hơn 7 lần trong bão số 10, số người mất tích gấp hơn 8 lần.

Một tuần người dân vùng núi như Hòa Bình, Yên Bái… chìm trong mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở kinh hoàng. Các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa ngập chìm trong biển nước do mưa lớn kết hợp xả lũ, vỡ đê, tràn đê.

Các nỗ lực vẫn đang tập trung tìm kiếm các nạn nhân mất tích do đất đá vùi lấp, lũ cuốn, cứu giúp người dân vùng bị cô lập, xử lý gia súc, gia cầm chết trôi…

Một tuần chìm trong mưa lũ

Hơn 27.600 m đê vỡ, sạt trong 7 ngày mưa lũ lớn – theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, tính tới 17h ngày 14/10 đã xảy ra 143 sự cố đê điều với tổng 27.601 m đê bị vỡ, sạt, nứt, thẩm lậu…, chưa kể 197 trọng điểm đê điều tại 19 tỉnh có đê.

Cụ thể, 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã xảy ra 50 sự cố tại 15 tuyến đê từ cấp III đến cấp I, tổng chiều dài hư hại là 9.568m. 

Đối với đê cấp III trở xuống, xảy ra 93 sự cố với tổng chiều dài hư hại lên tới 18.033m.

Thanh Hóa là tỉnh xảy ra hàng loạt các sự cố bị khuyến cáo rất nguy hiểm. Tại Hà Nội, đáng chú ý là các vụ sạt lở mái đê tả Đáy (huyện Hoài Đức); vỡ đê Bùi 2 (huyện Chương Mỹ) dài 15 m; bị tràn 11 đoạn đê với tổng chiều dài khoảng 13.950 m (tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai).

Tuy nhiên, Dân nhìn vào thì nói vỡ, nhưng chúng tôi nói đó là vỡ có kế hoạch” – là khẳng định của ông Đỗ Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội trước thông tin việc đê hữu Bùi (Chương Mỹ, Hà Nội) vỡ hay bị tràn theo phát ngôn gây tranh cãi từ chính quyền.

Nếu nói vỡ đê thì chưa hẳn đúng, mà đây là trong quá trình nước tràn thì một điểm đê yếu, bị mất chân thì nó phá luôn cả điểm đó. Nước sau đó tràn vào vùng chứa lũ và chúng ta đã chủ động đưa nước vào bờ Hữu của sông Bùi để đảm bảo an toàn cho đê Tả Bùi. Việc vỡ này hay còn gọi tràn để vỡ chân đê là có chủ động và vào vùng chứa lũ chứ không phải vùng được bảo vệ tuyệt đối”– ông Thịnh cho hay.

hoa binh quoc lo 6 ngap sau sat lo kinh hoang o da bac 4 1
Lũ vào đồng ruộng, người đàn ông cứu lúa tại Đà Bắc, Hòa Bình. (Ảnh: FB)

Khoảng 92 ha lúa chưa kịp thu hoạch đã bị ngập, khoảng 840 ha cây vụ đông hư hỏng; 63,8 ha diện tích cây ăn quả; 125 ha thủy sản bị ngập. Tính đến sáng 12/10, 178 gia súc, 9.700 gia cầm chết.

Gần 10 km đê bị ngập, gồm các địa bàn thị trấn Xuân Mai và các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn… 618 hộ với 5.558 nhân khẩu phải di dời đến nơi an toàn. Hơn 1.800 người tham gia hộ đê, sơ tán cứu dân.

Tại buổi họp chiều 11/10, theo xác nhận của đại diện Bộ Công Thương, 31 hồ thủy điện đồng loạt xả lũ. Trong đó, khu vực phía Bắc có 27 hồ chứa, khu vực Bắc Trung Bộ có 4 hồ chứa. Đây là mức kỷ lục chưa từng có, trong đó hồ Hòa Bình trong vòng 16,5 tiếng mở liên tiếp 8 cửa xả đáy (tổng 12 cửa). Trước khi mở cửa xả thứ 8, mực nước hồ Hòa Bình ở mức 117,40 m, lưu lượng nước về hồ 14.720 m3/s, lưu lượng xả về hạ lưu 14.720 m3/s.

Cũng tại cuộc họp, Tổng cục Thủy lợi cung cấp thông tin gần 3.000 hồ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã đầy nước, trong đó có 160 hồ lớn đã đầy và khoảng 20% hồ nhỏ có biểu hiện tràn. Báo cáo của cơ quan phòng chống thiên tai cho hay hàng loạt sự cố xảy ra tại các hồ, đập tại Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

thanh hoa lon chet 02 1
Khoảng 6.000 con lợn chết đuối (số liệu cập nhật) do mưa lớn kết hợp xả lũ tại trại lợn ở huyện Yên Định (Thanh Hóa). (Ảnh: FB)

Sạt lở đã xảy ra với mức độ lớn chưa từng có tại các tỉnh miền núi, như Yên Bái, Hòa Bình. Đặc biệt tại Hòa Bình, rạng sáng ngày 12/10 tại huyện Tân Lạc, nửa quả đồi sạt xuống vùi lấp 18 người trong 4 gia đình ở xóm Khanh.

Khoảng 5h sáng 12/10, 5 thi thể được đưa ra khỏi đống vùi lấp. Đến 9h30 sáng cùng ngày, số người tử vong lên 8 người.

Ngày 15/10, 3 thi thể mới được tìm thấy là 3 mẹ con; nạn nhân nhỏ tuổi nhất vừa được tìm thấy mới 2 tháng tuổi. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, đã tìm thấy 13 thi thể, vẫn còn 5 nạn nhân bị mất tích.

Chiều 14/10, lực lượng chức năng đã phải cho nổ mìn phá đá để tìm các nạn nhân còn lại. Ngày 15/10, Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất.

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, từ năm 2000 đến 2015, cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét và sạt lở đất, làm chết và mất tích gần 646 người, 351 người bị thương.

Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 10/10 vừa qua, đã có gần 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt lở, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên hơn 100 người.

Nguyên nhân do yếu tố tự nhiên, đặc biệt phi tự nhiên như phá rừng đầu nguồn; khai thác khoáng sản, lâm sản tràn lan; xây dựng công trình hạ tầng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường…

TP.HCM: Rò rỉ khí amoniac, nhiều người chảy  máu, động vật chết vì ngạt khí

Theo cơ quan chức năng, hơn 1 tấn khí ammoniac (NH3) đã rò rỉ trong sáng 10/10 tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người chưa nên trở về nhà để đảm bảo an toàn tính mạng.

Cụ thể, khoảng 9h sáng ngày 10/10, khu vực trạm chiết amoniac (NH3) của Công ty TNHH Vĩnh Lộc phát tiếng nổ lớn, sau đó khói trắng và mùi hôi nồng nặc phát ra. Người dân và các công nhân trong công ty bỏ chạy, nhiều người khó thở, nôn ra máu, hàng loạt chó, gà, lợn chết ngạt, cây cối bị héo rũ, rụng lá.

ro ri khi anomiac
Một đoạn đường tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh hoang tàn, cây chết đứng. (Ảnh: Dương Xanh)

Sự cố khiến 1.040 học sinh, giáo viên của trường tiểu học An Phú Tây 2 hoảng sợ, phải di tản đến nơi an toàn. 4 người nhập viện phải cấp cứu, hiện đã qua cơn nguy hiểm.

Theo nhà chức trách địa phương, sự việc xảy ra do công nhân nạp khí NH3 từ xe bồn sang bồn chứa của công ty, đường ống bị bể dẫn đến xì khí độc ra ngoài. Sang ngày thứ 4 kể từ thời điểm xảy ra sự cố, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công thương lập đoàn thanh tra, xem xét, làm rõ trách nhiệm bồi thường của Công ty Vĩnh Lộc.

Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội: ‘Ai học thật bằng giả và ngược lại thì khẩn trương báo cáo’ 

Dẫn lại nội dung “ai trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa” trong bế mạc Hội nghị trung ương 6 của Tổng Bí thư, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sáng 13/10, lãnh đạo Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội yêu cầu những người “học thật bằng giả và ngược lại” thì báo cáo hay thậm chí xin rút lui.

Ai học thật bằng giả và ngược lại thì khẩn trương báo cáo Ban Tổ chức, Uỷ ban Kiểm tra xin rút lui, thậm chí xin từ chức. Chúng tôi đã có những tài liệu nhất định, còn chờ kiểm tra xác minh nữa thôi. Nếu bằng cấp không chuẩn chỉ thì báo cáo ngay và cũng tự giác, có khi xin từ chức cho đàng hoàng”- Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Trần Quang Cảnh nói.

Ôcng Cảnh nhấn mạnh nhiệm vụ giám sát tài sản và kiểm tra tài sản của cán bộ, đảng viên của Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ, đồng thời khẳng định việc xã Đồng Tâm “hiện nay tình hình đã ổn định”.

Về biến động nhân sự tuần qua, chiều 11/10,  Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT.

Công việc sẽ được Quốc hội tiến hành vào kỳ họp thứ 4 tới diễn ra vào cuối tháng 10/2017.

Trước đó, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng thay ông Nguyễn Xuân Anh vừa nhận kỷ luật.

Đối với Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, việc Quốc hội sắp miễn nhiệm ông cho thấy ông Sáu đã được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ khác, và Thủ tướng cũng sẽ trình Quốc hội nhân sự Tổng Thanh tra Chính phủ mới.

Sáng 12/10, Trung ương đã chấp thuận đơn xin nghỉ hưu trước tuổi của ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Theo đó, ông Chánh sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018, sớm 2 năm.

Cuối tháng 12/2016, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang – ông Trần Công Chánh bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang – ông Huỳnh Minh Chắc bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng vì liên quan đến quá trình tiếp nhận, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh về giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh này.

Bộ Y tế: 9 tháng đầu năm ‘chưa phát hiện ai tham nhũng’

Nội dung trên nằm trong Báo cáo phòng chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2017 của Bộ Y tế.

Báo cáo cho biết về việc phát hiện, xử lý tham nhũng, qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, “trong thời kỳ báo cáo chưa phát hiện cá nhân, đơn vị tham nhũng”.

Mặc dù kết luận không phát hiện các trường hợp tham nhũng, Thanh tra Bộ dự báo “thời gian tới tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, khó lường […] Nhóm hành vi tham nhũng có thể tập trung ở tình trạng nhân viên “nhũng nhiễu” trong công tác khám, chữa bệnh, trong đấu thầu, xây dựng cơ bản và mua sắm công”.

bo truong bo y te
Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của Bộ Y tế  do Bộ trưởng Bộ Y tế là trưởng ban, các Thứ trưởng là phó trưởng ban. Ảnh: Bộ trưởng trong một buổi thăm bệnh nhân. (Ảnh: FB Bộ trưởng Bộ Y tế)

Dự kiến hôm nay (16/10), trạm BOT Biên Hòa thu phí trở lại sau gần 10 ngày tạm ngưng. Giá vé qua trạm giảm 20% (thấp nhất 25.000 đồng, cao nhất 140.000 đồng).

Trong tháng 9 và các ngày đầu tháng 10/2017, phản ứng trước việc chủ đầu tư đặt trạm BOT không đúng vị trí – đặt trên Quốc lộ 1, cách tuyến tránh hơn 10 km, mức phí quá cao (từ 35.000 – 180.000 đồng/xe/lượt), nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ để mua vé, dừng xe, cúng cá tra để kiến nghị dời trạm thu phí về đúng vị trí. Trạm buộc phải ngưng hoạt động

Ngày 10/10, UBND tỉnh Đồng Nai, các sở ngành liên quan cùng chủ đầu tư đã tổ chức họp để giải quyết vấn đề tại trạm BOT Biên Hòa.

Cung cấp thông tin với báo chí sau cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết việc QL1 bị tê liệt nhiều giờ liền trong ngày 5/10 do nhiều tài xế dùng tiền lẻ mua vé để phản đối và “nằm lì” ngay trạm, hiện các cơ quan tư pháp tỉnh Đồng Nai đang làm rõ, nếu đủ yếu tố vi phạm sẽ khởi tố vụ án để điều tra.

Cùng dòng “thời sự” BOT, ngày 9/10, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk – ông Y Biêr Niê cho biết đã nhận được văn bản trả lời của Bộ GTVT về việc Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị dừng thu phí tại trạm BOT Ea Đar (trên QL 26) và NN mua lại trạm.

Bộ này khẳng định việc lập trạm thu phí được tiến hành theo trình tự quy định của pháp luật, và hiện chưa có chủ trương sử dụng ngân sách để mua lại các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Ông Y Biêr Niê cho hay trong kỳ họp tới sẽ đưa việc các trạm thu phí vây quanh địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (trên QL 26, QL 14) để Quốc hội biết và cho ý kiến.

Nguyễn Quân 

Xem thêm: