UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành về 3 phương án hướng tuyến ga ngầm C9 trên tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.

ga C9
Phối cảnh ga tàu điện ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: MRB)

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Ba phương án ga ngầm C9 được TP. Hà Nội đưa ra gồm:

Phương án 1: Nghiên cứu bố trí ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm. Ga được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng có kết cấu thân ga trùng với ranh giới vùng bảo vệ II; dài 202,4m, rộng 15m, sâu 31m; bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP. Hà Nội; chiếm dụng khoảng 25m2 đất trụ sở UBND TP để thi công, kết cấu ga cách toà nhà gần nhất khoảng 3m. Nhà ga có 2 cửa lên xuống.

Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đánh giá phương án này ít tác động đến khu vực di tích hồ Hoàn Kiếm; song cũng nhiều nhược điểm như có thể gây mất an toàn cho hành khách, ga xếp chồng nên gây ra ảnh hưởng lớn hơn đến lún nền, đòi hỏi chi phí cao so với phương án ban đầu (tăng thêm 447 tỷ đồng).

Tổng chi phí xây dựng cho đoạn hầm từ ga C8 đến C10 và 2 ga (C9 và C10) khoảng 4.317 tỷ đồng.

Phương án 2: Giữ nguyên như phương án ban đầu đã đề xuất phê duyệt. Ga C9 được đặt trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội, nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Ga dài 150m; rộng 21,4m và sâu 20m; đỉnh ga cách mặt đất khoảng 2,5m.

ga c9 phuong an 2
Quy hoạch đoạn ngầm và nhà ga C9 theo phương án 2. (Ảnh: MRB)

Nhà ga có 4 cửa lên xuống, xây theo mô hình 3 tầng song song đồng mức. Tầng trên cùng là sảnh, ở giữa là khu vực kỹ thuật và dưới cùng là nơi đón trả khách. Dự kiến tổng chi phí xây dựng đoạn từ ga C8 đến C10 là khoảng 3.878 tỷ đồng.

Theo MRB, ưu điểm của phương án 2 là hướng tuyến ngầm và quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 phù hợp với quy hoạch được duyệt. Việc này giúp tránh được rắc rối, khiếu kiện pháp lý khi đổi hướng tuyến, diện tích giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, phương án này đang bị phản đối do phần lớn nhà ga và một cửa lên xuống nằm trong vùng bảo vệ II của khu di tích hồ Hoàn Kiếm. Bộ VH-TT&DL và một số chuyên gia cho rằng vị trí này vi phạm Luật Di sản.

Phương án 3: Bỏ ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai.

MRB cho hay dù không cần xây nhà ga, vẫn cần phải có các công trình sơ tán hành khách và hệ thống thông gió vì đoạn giữa ga C8 và C10 lên đến 2,65km. Do vậy lối thoát hiểm cho hành khách khi có sự cố cháy nổ sẽ được đề xuất để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Đánh giá về phương án này, MRB cho rằng chi phí xây dựng sẽ thấp hơn phương án 2, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới di tích. Tổng mức kinh phí xây đoạn hầm từ C8 đến C10 chỉ còn hơn 3.320 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bỏ ga ngầm C9 sẽ không giải quyết được vấn đề ùn tắc quanh di tích hồ Hoàn Kiếm; dẫn đến việc tuyến đường sắt đô thị số 2 và mạng lưới đường sắt đô thị đi tới trung tâm TP kém hiệu quả.

Đồng thời, phải GPMB khoảng 19m2 đất của HTX Dân chủ (đất công) và chi phí đền bù, xây dựng lại phần nhà bị ảnh hưởng khoảng 36 tỷ đồng.

Từ những phân tích trên, MRB đề xuất cân nhắc phương án 2 (ban đầu) và phương án 3 (bỏ ga C9) nhằm tránh các thủ tục bổ sung phức tạp và điều chỉnh chủ trương đầu tư do chi phí tăng.

Tuyến đường sắt qua Hồ Gươm chậm 12 năm, đội vốn 16.000 tỷ đồng

Tuyến đường sắt số 2 là tuyến đường sắt đô thị kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm thành phố có chiều dài 11,5 km, có lộ trình: Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) – đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài – phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Hệ thống nhà ga, gồm 3 ga trên cao (C1-C3 và cầu cạn, dài 2,6 km), 7 ga ngầm (C4-C10 và hầm ngầm, dài 8,9 km). Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Ga C9 được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m và có 3 tầng: tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga.

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm là khoảng 10 m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81 m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83 m; tới Tháp Bút khoảng 36 m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120 m.

Trước đó, hồi năm 2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 vì vị trí đặt ga C9 là “chưa tuân thủ pháp luật di sản văn hóa, xâm phạm không gian văn hóa”.

Trước nhận định này, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, ông Lê Trung Hiếu cho hay là người làm kỹ thuật, ông Hiếu khẳng định “công trình này không vi phạm Luật Di sản Văn hóa” vì nhà ga C9 đưa hành khách đến tham quan di tích, đây cũng là công trình mang tính chất phục vụ khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Ông Hiếu cũng cho biết hiện không còn phương án nào đặt vị trí nhà ga C9 và đường ống tàu điện ngầm khu vực này. Bởi vị trí đặt ga C9 còn liên quan trực tiếp đến hướng tuyến và hai ga kế tiếp (ga C8 – đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và ga C10 – đặt tại đường Hàng Bài).

Kim Long