UBND tỉnh Hà Nam bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu truy thu hơn 164 tỷ đồng tiền hỗ trợ doanh nghiệp san gạt mặt bằng không đúng quy định tại các dự án: Dự án nhà máy Hoa Sen Hà Nam; Nhà máy sữa Nutifood Hà Nam; Nhà máy Number One Hà Nam; Nhà máy sản xuất dược phẩm Hoa Thiên Phú; nếu chủ đầu tư không thực hiện, sẽ chuyển cơ quan điều tra.

ubnd tinh ha nam bi yeu cau truy thu hon 164 ty dong tien ho tro doanh nghiep sai quy dinh
Các lãnh đạo, cán bộ UBND tỉnh Hà Nam tham gia cuộc họp thảo luận dự thảo các chương trình đề án trong chương trình công tác năm 2021 vào ngày 11/3/2021. (Ảnh: hanam.gov.vn).

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam (giai đoạn 2012 – 2018).

Thông báo kết luận chỉ rõ UBND tỉnh Hà Nam thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần chi phí đầu tư san nền, hạ tầng kỹ thuật đối với 4 dự án đã đầu tư vào Cụm công nghiệp Kiện Khê I không đúng quy định với tổng số tiền trên 164 tỷ đồng.

Trong đó, Dự án nhà máy Hoa Sen Hà Nam gần 77 tỷ đồng; Nhà máy sữa Nutifood Hà Nam hơn 31 đồng; Nhà máy Number One Hà Nam hơn 50 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất dược phẩm Hoa Thiên Phú gần 6 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, Chủ đầu tư Nhà máy Number One Hà Nam nợ hơn 80 tỷ đồng tiền chi phí san nền, hạ tầng kỹ thuật phải nộp từ năm 2016.

Đến ngày 18/6/2021, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành các quyết định thu hồi số tiền hơn 164 tỷ đồng hỗ trợ không đúng nêu trên. Đến thời điểm tháng 8/2021, Chủ đầu tư dự án nhà máy Number One Hà Nam đã nộp hơn 50 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, khoản tiền chậm nộp còn lại là 30 tỷ đồng từ tháng 10/2016 đến ngày 3/8/2021 (hơn 4 năm), UBND tỉnh Hà Nam chưa xác định theo quy định để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện.

Bên cạnh đó, TTCP cho rằng, UBND tỉnh Hà Nam áp dụng không thống nhất mức, tỷ lệ phần trăm để tính đơn giá thuê đất đối với 4 dự án có cùng điều kiện thuê đất tại Cụm công nghiệp Kiện Khê I.

Trong đó, UBND tỉnh Hà Nam áp dụng mức tỷ lệ 0,5% để tính đơn giá thuê đất đối với Dự án Nhà máy sữa Nutifood Hà Nam và mức 1% đối với 3 dự án còn lại gồm Nhà máy Hoa Sen Hà Nam, Nhà máy dược phẩm Hoa Thiên Phú, Nhà máy Number One Hà Nam là thiếu công bằng giữa các dự án tại Cụm công nghiệp Kiện Khê I.

Theo TTCP, đối với Dự án đầu tư nhà máy Hoa Sen Hà Nam và Dự án đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm Hoa Thiên Phú (nay là Dự án đầu tư nhà máy thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc, bao bì áp dụng công nghệ cao) chậm tiến độ nhưng UBND tỉnh Hà Nam chưa gia hạn thời gian sử dụng đất và thu tiền chậm tiến độ.

Cùng với đó, UBND tỉnh Hà Nam chấm dứt các ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu… cho 3 dự án gồm, Nhà máy Hoa Sen Hà Nam, Nhà máy sữa Nutifood Hà Nam, Nhà máy sản xuất dược phẩm Hoa Thiên Phú với lý do chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ là không đúng quy định.

Từ kết quả thanh tra, TTCP yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam phải có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại dự án với số tiền trên 122 tỷ đồng; xử lý việc ưu đãi đầu tư đối với 3 dự án chậm tiến độ.

Đồng thời, UBND tỉnh Hà Nam phải xác định và thu tiền chậm nộp đối với số tiền hơn 80 tỷ đồng chi phí san nền, hạ tầng kỹ thuật do chủ đầu tư Dự án nhà máy Number One Hà Nam chậm nộp trong 4 năm.

Đối với số tiền trên 164 tỷ đồng hỗ trợ không đúng quy định nêu trên, TTCP nêu rõ: “Sau 1 năm kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra, nếu chủ đầu tư các dự án không thực hiện thì chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định”.

Hàng loạt sai phạm liên quan đến giao đất, thu hồi đất

Cũng theo kết luận của TTCP, UBND tỉnh Hà Nam giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trong giai đoạn từ ngày 27/12/2015 đến hết năm 2016 không yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ là không đúng quy định.

Đến năm 2017, UBND tỉnh Hà Nam mới yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện. Tại thời điểm thanh tra, còn 17 dự án đang triển khai thực hiện nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện ký quỹ.

UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 20 dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở hỗn hợp (giai đoạn 2012 – 2018) khi chưa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm là không đúng quy định Luật Nhà ở 2014.

Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở và dự án xây dựng khu dân cư, nhà ở hỗn hợp, trong kỳ thanh tra, có 9 dự án UBND tỉnh Hà Nam trực tiếp chỉ định nhà đầu tư mà không theo phương thức đấu thầu là sai quy định.

Một số dự án có diện tích đất nhỏ hơn so với quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2006/NĐ-CP. Mặt khác, tại các quyết định của UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chỉ phê duyệt phần hạ tầng kỹ thuật, không có hạng mục hạ tầng xã hội, khu dân cư và các công trình dịch vụ khác là không đúng với Nghị định Chính phủ.

Ngoài ra, việc UBND tỉnh Hà Nam lựa chọn nhà đầu tư đối với 4 dự án không thông qua hình thức đấu thầu, vi phạm Nghị định Chính phủ và Luật nhà ở 2014. Đến thời điểm thanh tra, theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, các chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất theo thông báo của cơ quan Thuế, đã xây dựng và bàn giao cho khách hàng

Bốn dự án này gồm: dự án HTKT khu nhà ở cán bộ, bác sĩ bệnh viện Việt Đức, HTKT khu nhà ở cán bộ, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, Dự án khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Ban QLDA y tế trong HTKT Khu nhà ở cán bộ, bác sĩ điểm – Bộ Y tế, Dự án khu nhà ở cán bộ Đại học Xây dựng.

Dự án bãi chứa, tuyến đường dùng chung và tuyến băng tải do Công ty CP xi măng Thành Thắng Group làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận chủ trương đầu tư tại các quyết định ngày 25/10/2016 và ngày 17/7/2019.

Công ty CP xi măng Thành Thắng đã ứng tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB và đầu tư xây dựng hạng mục tuyến đường dùng chung với tổng số tiền 252 tỷ đồng (theo báo cáo của công ty) khi chưa được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Luật Xây dựng năm 2014.

UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai ngày 7/1/2021. Đến thời điểm thanh tra, dự án chưa được thực hiện các thủ tục về thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, chuyển mục đích sử dụng đất để giao đất cho thuê đất.

UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận 12 dự án kho, bãi, cảng ven sông Đáy, huyện Thanh Liêm, trong đó: 11/12 dự án không có trong Quy hoạch cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc được Bộ GTVT phê duyệt tại quyết định ngày 26/4/2013 (các dự án đều có văn bản sẽ cập nhật quy hoạch của Bộ GTVT nhưng đến thời điểm thanh tra chưa được cập nhật).

9/12 dự án không có văn bản chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định Luật Đê điều; 10/12 dự án không có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; 5/12 dự án chưa có hợp đồng thuê đất nhưng chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư, đưa vào sử dụng là không đúng quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng, đê điều.

Trong đó, 2 dự án (chủ đầu tư là Công ty TNHH XD&TM HTP, Công ty TNHH khai thác khoáng sản Nam Sơn) được UBND tỉnh Hà Nam cho phép thí điểm tại văn bản ngày 18/8/2020 nhưng không có hồ sơ dự án. sau khi kết thúc thanh tra, UBND tỉnh Hà Nam đã có văn bản ngày 11/11/2021 chấm dứt việc thực hiện đối với 2 dự án này.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Nam chưa ban hành quy định về nghĩa vụ tài chính phải thực hiện (nếu có) để thu về ngân sách Nhà nước đối với các chủ đầu tư khi cho thuê cảng.

Đối với đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh Hà Nam cho phép 8 công ty khai thác tận thu đá tại huyện Thanh Liêm nhưng không yêu cầu lập hồ sơ khai thác. Trong đó, 6/8 công ty khai thác vào vị trí đất thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo quyết định ngày 24/12/2014 của UBND tỉnh Hà Nam.

Theo báo cáo, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản chấm dứt chủ trương thực hiện với 8/8 công ty. Các công ty đã thực hiện kê khai nộp thuế, phí liên quan và chấm dứt việc khai thác.

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm của những sai phạm trên thuộc về UBND tỉnh Hà Nam, các sở ngành: Văn phòng UBND tỉnh, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, các tổ chức, đơn vị, các nhân có liên quan và chủ đầu tư các dự án.

Khánh Vy