Chính quyền TP.HCM đang thúc đẩy chính quyền địa phương trực thuộc yêu cầu người dân tiêm tiếp vắc-xin COVID-19 mũi 3, mũi 4. Những người từ chối tiêm bị buộc phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh. 

tiem vac xin covid 19 quan go vap
Hình ảnh trong thông báo của UBND quận Gò Vấp (TP.HCM) về kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 mũi nhắc lần 2 (mũi 4) vào ngày 17/6/2022. (Ảnh: govap.hochiminhcity.gov.vn)

Theo văn bản ngày 24/6, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành,tổ chức chính trị – xã hội, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục vận động mọi người dân đi tiêm vắc-xin COVID-19.

Ban Quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp, các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp… được yêu cầu lập danh sách người lao động đủ điều kiện tiêm mũi nhắc lại lần 2 để phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nơi đơn vị trú đóng tổ chức tiêm vắc-xin ngay tại chỗ.

Sở Thông tin và Truyền thông được giao phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Viettel – Chi nhánh Viettel Hồ Chí Minh, căn cứ dữ liệu trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19, nhắn tin đến từng người dân đến các điểm tiêm để tiêm mũi nhắc lại.

UBND TP.HCM yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo trung tâm y tế trên địa bàn nhanh chóng tiếp nhận hết vắc-xin COVID-19 đã được phân bổ, tiêm hết, không để xảy ra tình trạng hủy vắc-xin do hết hạn sử dụng.

Việc tiêm chủng trong cộng đồng dân cư phải “đảm bảo trên 90% dân số trên địa bàn được tiêm mũi 3 và các đối tượng phù hợp tiêm mũi 4 được tiêm đầy đủ theo đúng quy định”.

Người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, trong khi chính quyền các địa phương phải tổng hợp báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm về Sở Y tế ngay sau khi đợt cao điểm kết thúc.

Văn bản trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các tỉnh tăng cường việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19.

Bà Hương yêu cầu Cục Y tế dự phòng đề nghị các tỉnh báo cáo tình hình tiếp nhận sử dụng vắc-xin có hạn đến tháng 6/2022; thống kê báo cáo tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi; số vắc-xin đã sử dụng, số vắc-xin còn tồn. “Đến 30/6, nếu địa phương chưa tiêm hết cho các đối tượng theo hướng dẫn trong khi vắc-xin vẫn dư thừa thì địa phương đó hoàn toàn chịu trách nhiệm”, bà Hương nói trong cuộc họp ngày 23/6.

Tại TP.HCM, chính quyền TP này đã phát động tháng cao điểm tiêm chủng vắc-xin COVID-19 (tiêm mũi 3, mũi 4) kể từ ngày 14/6 vừa qua.

Với yêu cầu tại văn bản nêu trên, TP.HCM nối tiếp các tỉnh như Bình Phước, Sóc Trăng, áp dụng các biện pháp hành chính đối với người từ chối tiêm vắc-xin COVID-19, trong đó tỉnh Bình Phước yêu cầu người dân không tiêm phải ký cam kết, chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, tỉnh Sóc Trăng “không cho phép người chưa tiêm mũi 4 đi ra khỏi nơi cư trú; không được tham gia các hoạt động công cộng; không giải quyết các thủ tục hành chính…”.

Trước yêu cầu “người không tiêm phải cam kết” của UBND TP.HCM, nhiều độc giả đặt câu hỏi chất vấn: “Vậy nếu tiêm mà vẫn lây lan thì ai chịu trách nhiệm?”, theo tài khoản S.D.C.

“Họ chích nhưng vẫn bị nhiễm vẫn lây cho người khác thì ai chịu trách nhiệm? Họ không chích nhưng bị lây từ người chích sang thì ai chịu trách nhiệm? Sao có những kiểu làm ngộ vậy?”, tài khoản N.H.L đặt câu hỏi tương tự.

Tài khoản M. cho hay: “Nếu tiêm cũng phải cầm kết tự nguyện đi tiêm, không tiêm thì phải cam kết chịu trách nhiệm, hơi luẩn quẩn.”

Từ thực tế của bản thân, tài khoản V.Q.L cho hay: “Tôi bị nhiễm lần một 2 tuần sau mũi 2, nhiễm lần hai cũng 2 tuầ sau mũi 3… Vậy người lây cho tôi có chịu trách nhiệm việc này không?

“Nếu tiêm và vẫn bị nhiễm và lây lan cho người khác thì có chịu trách nhiệm không. Tiêm vắc-xin là tự nguyện, nếu người tiêm vắc-xin rồi bị sốc phản vệ hay bị phản ứng thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây. Cần rõ ràng hơn về việc này”, tài khoản T.N nêu vấn đề.

Hai mươi ngày trước, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều 4/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương xác nhận hiện tại “việc bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19, đặc biệt là nhóm trẻ 5-12 tuổi, chưa có đủ cơ sở”, do tại Việt Nam, bệnh COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Bà Hương cho hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên triển khai tiêm vắc-xin tự nguyện hơn là bắt buộc và các vắc-xin phòng COVID-19 vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả sử dụng.

Mặc dù vậy, bà Hương vẫn nhấn mạnh việc tiêm vắc-xin COVID-19 đúng lịch, đủ liều.

Tại cuộc họp ngày 23/6 với Bộ Y tế, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 các loại; đã phân bổ 228,8 triệu liều, còn lại hơn 22,2 triệu liều vắc-xin Moderna và Pfizer.

Tổng số mũi vắc-xin COVID-19 đã tiêm trên cả nước là 226,7 triệu mũi các loại.

Hiện tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 mới đạt 64,7%. Tiến độ tiêm nhắc lại trong những ngày gần đây có chiều hướng chậm.

Với cho nhóm trẻ từ 5 tuổi – dưới 12 tuổi, mũi 1 đạt 47,1%, một số nơi đang tiến hành tiêm mũi 2, tỷ lệ là 10,8%.

Có tình trạng tồn đọng nhiều vắc-xin COVID-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc-xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.

Lý do người dân từ chối tiêm do bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều người đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc-xin tiếp theo.

Nguyễn Sơn