Năm 2020, Việt Nam tăng 9 bậc về tỷ lệ mắc mới ung thư, xếp thứ 90/185 quốc gia trong khi tỷ lệ tử vong do căn bệnh này tăng 6 bậc, xếp thứ 50/185 quốc gia trên toàn thế giới so với năm 2018.

benh vien ung buou hanoi
Một nam bệnh nhân trẻ tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, tháng 7/2022. (Ảnh: Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội/Facebook)

Tại hội thảo “Phòng chống ung thư Hà Nội năm 2022” do Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phối hợp Hội Ung thư Việt Nam tổ chức sáng 4/11 tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ Trưởng Bộ Y tế  cho hay trên bản đồ ung thư của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) của thế giới, năm 2020, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 90/185 quốc gia (*) về tỷ suất mắc mới, tăng 9 bậc so với năm 2018 (từ 164.671 ca lên 182.563 ca). Về tỷ lệ tử vong, Việt Nam xếp thứ 50/185, tăng 6 bậc so với ghi nhận 2018 (từ 114.871 người lên 122.690 người).

Ước tính mỗi năm Việt Nam có 182.563 ca mắc mới; hơn 122.690 ca tử vong do ung thư; 354.000 người đang “sống chung” với ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư.

Hai năm qua, do dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát và lan rộng toàn thế giới nên hiện chưa có dữ liệu thống kê năm 2021-2022.

TS.BS Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990 (sau 30 năm) và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian.

Nếu như trước đây, căn bệnh ung thư thường được phát hiện đối với những người già từ 50-60 tuổi thì hiện nay, số lượng người trẻ mắc ung thư từ tuổi 25 đang tăng lên. Ví dụ, ung thư dạ dày, gan, vú… trước thường gặp ở bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, nay đã ghi nhận những trường hợp 25-30 tuổi mắc bệnh. Thậm chí có những bệnh nhân ung thư trực tràng, ung thư dạ dày khi mới chỉ 12, 13 tuổi.

Tỷ lệ tử vong khác biệt do mô hình bệnh tật, khả năng điều trị

GS.TS Trần Văn Thuấn cho hay tình trạng mắc mới bệnh ung thư là xu hướng tương tự nhiều nước, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, tuy nhiên tỷ lệ tử vong do ung thư tại những nước này giảm.

Thứ trưởng cho rằng yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi ung thư là việc phát hiện sớm hay muộn. Khả năng sống thêm cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giai đoạn bệnh, sự đáp ứng điều trị, phối hợp các phương pháp. Trong khi Việt Nam đang hạn chế những yếu tố trên thì tại các nước như Nhật Bản, tỷ lệ máy chiếu chụp và bác sĩ chuyên ngành ung thư trên dân số cao nhất. Vì thế, bệnh nhân được phát hiện sớm, khả năng điều trị hiệu quả cao nên tỷ lệ tử vong do ung thư của nước này thấp.

GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết thêm mô hình bệnh tật của mỗi nước khác nhau dẫn đến tỷ lệ tử vong do ung thư khác nhau. Ông lấy dẫn chứng tại Australia, tỷ lệ ung thư vú, tiền liệt tuyến cao nhất, còn Hàn Quốc thì tỷ lệ ung thư dạ dày, giáp trạng, đại tràng cao hơn. Những loại ung thư này có tiên lượng tốt, tỷ lệ sống cao, đặc biệt ung thư giáp trạng gần như được chữa khỏi hoàn toàn.

Ở Việt Nam, ba loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày, đều là bệnh lý thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao. Việc người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, càng khiến tỷ lệ tử vong tăng cao.

Sống tích cực có khả năng giảm nguy cơ mắc ung thư 

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K Hà Nội cho biết bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam là do nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen ăn uống, sinh hoạt và xem nhẹ sức khỏe, không đi khám, kiểm tra định kỳ. Nhiều người mắc bệnh mà không biết mình đang ở thời kỳ cuối của giai đoạn ung thư vì cơ thể không có bất cứ biểu hiện nào. Đến khi xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như đau tức ngực, khó thở, đau bụng, ăn gì nôn đó… thì căn bệnh đã bước vào giai đoạn cuối.

“Không ít bệnh nhân trẻ tuổi tình cờ phát hiện sớm ung thư dạ dày, dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện, điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh là từ 72% đến 92%. Còn phát hiện muộn, tỷ lệ khỏi bệnh giảm dần và khi đó việc điều trị chỉ mang tính chất kéo dài thời gian sống”, ông Bình cho hay.

Theo thông tin cung cấp tại hội thảo, hiện nay có 3 tác nhân gây ung thư chính gồm: Tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời…), tác nhân hóa học (phẩm nhuộm…) và tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B…) có trong bia rượu, đồ ăn uống. Nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều được hình thành từ lối sống lười vận động, ngồi văn phòng, lệ thuộc máy tính, điện thoại, đi ngủ muộn; chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, dầu, muối…; út thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích…

Ths.BS Mai Văn Sâm – Cố vấn chuyên môn, Bác sĩ Ung bướu – Nội tiết của Bệnh viện đa khoa An Việt (Hà Nội) cho biết ngay cả ở độ tuổi trưởng thành, mọi người cũng nên xây dựng cho bản thân và gia đình việc thăm khám sức khỏe; đặc biệt cần xây dựng cho bản thân chế độ ăn uống khoa học, có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Sâm, mỗi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể; hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá; tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Cần lưu ý, nếu trong gia đình có người thân có tiền sử mắc ung thư thì cần phải chú ý tầm soát thường xuyên ngay từ khi trẻ tuổi, bởi đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.

(*) Hiện chỉ có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư, theo GLOBOCAN.

Sơn Nguyên