Theo ước tính đưa ra tại cuộc họp của Chính phủ sáng 29/3, khoảng 40.000 người ra vào Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3 đến khi phong tỏa hoàn toàn từ rạng sáng ngày 28/3; hơn 5.000 bệnh nhân đã về các tỉnh sau 20/3. Đây hiện đang là “ổ dịch” viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) lớn nhất cả nước.  

bệnh viện bạch mai
Khoảng 40.000 người ra vào Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3 đến rạng sáng ngày 28/3. Hơn 5.000 bệnh nhân đã về các tỉnh. Ảnh: Quân đội phun khử khuẩn BV Bạch Mai tối 28/3. (Ảnh: J.N)

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 TP trực thuộc Trung ương do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ Y tế  cho biết dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã xuất hiện lây lan trong cộng đồng và sẽ có diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện hoặc các trường hợp xâm nhập có mang virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Theo báo cáo thống kê, có tới 60,1% không có triệu chứng khi phát hiện. Nếu tính hệ số lây nhiễm là 2,5 (1 người lây cho 2,5 người), ước tính số nhiễm ở cộng đồng sẽ khá cao.

Đối với “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai, từ ngày 26/3, Bộ Y tế cho biết đã lấy hơn 5.400 mẫu xét nghiệm đối với toàn bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện; thực hiện cách ly hoàn toàn bệnh viện từ 0 giờ ngày 28/3 (tức 8 ngày sau khi công bố 2 ca đầu tiên (20/3) – 2 nữ điều dưỡng, là bệnh nhân 86 và bệnh nhân 87 – ghi chú).

Hơn 5.000 bệnh nhân đã về các tỉnh sau ngày 20/3

Bày tỏ sự lo ngại về ổ dịch trên, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Theo ông Chung, nếu sau ngày 19/3 mà đóng băng bệnh viện trên thì “đã có một cơ hội vàng tốt hơn”.

Tối 19/3 khi nhận được tin bệnh nhân thứ 86 và 87 mắc COVID-19, ngoài điều tra dịch tễ và cách ly người liên quan, Hà Nội đã trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện  Bạch Mai và Bộ Y tế kiến nghị xem xét đóng và phong tỏa một số khoa trong bệnh viện; giảm tải việc nhận bệnh nhân mới và cách ly tại chỗ toàn bộ các bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện.

“Tuy nhiên, đề xuất của Hà Nội không được chấp nhận, mà Bộ Y tế chỉ triển khai đóng băng một số tầng, khoa có bệnh nhân dương tính. Sau đó, bệnh viện đã chuyển 5.113 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai về các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó riêng Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 bệnh nhân”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói và nhận định việc “thả gà ra đuổi” này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát những đốm dịch nhỏ ở nhiều tỉnh, thành trong tuần tới.

“Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai ra cộng đồng với xác suất rất lớn. Số người vào thăm trên địa bàn thành phố là rất lớn. Nếu có lây lan ra thì Hà Nội chịu hậu quả lớn nhất, bởi Công ty Trường Sinh ăn ở, đi ra đi vào cũng ở đây…”, ông Chung cảnh báo.

Đã có trường hợp đi theo đoàn công tác xuống Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam hay đi về Nam Định, Ninh Bình cũng dương tính, ông Chung cho hay, đồng thời đề nghị Thủ tướng cho phép một số cơ quan hành chính ở Hà Nội và kể cả ở các tỉnh tạm thời nghỉ làm việc để giảm thiểu sự lây lan.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần hỗ trợ biện pháp công nghệ, góp phần tìm được khoảng 40.000 người đã vào ra bệnh viện Bạch Mai những ngày vừa qua để theo dõi, rà soát từng trường hợp.

TP.HCM cố gắng kiểm soát dưới tối đa dưới 150 ca

Tại TP.HCH, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết về “ổ dịch” tại quán bar Buddha, hiện có 13 ca nhiễm, TP đã điều tra dịch tễ mở rộng, tiếp cận được 198 người tiếp xúc trực tiếp để đưa đi cách ly và làm xét nghiệm. 149 trường hợp trong đó có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.

TP.HCM đã trang bị 10.000 bộ kit xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc số trường hợp nghi nhiễm và trong hai tháng tới sẽ tiếp tục trang bị thêm 110.000 bộ kit xét nghiệm để tăng cường kiểm soát người nghi ngờ mắc COVID-19.

Tính đến sáng 29/3, trên địa bàn TP.HCM có 45 ca viêm phổi Vũ Hán, 3 trường hợp đã điều trị khỏi, dự kiến 7 ca xét nghiệm âm tính 3 lần sẽ sớm xuất viện.

Ông Phong cho biết sẽ tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, khó dự báo thời điểm kết thúc, TP.HCM sẽ cố gắng để số ca nhiễm dưới 150 người.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 25/2, ông Phong cho hay thời gian điều trị bình quân cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 là 20 ngày; cứ mỗi ngày một người bệnh cần có 12 bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, điều trị. Theo đó, chỉ cần có trên 1.000 người nhiễm bệnh thì TP không thể tìm đủ y bác sĩ. “1.000 người bệnh là giới hạn đỏ của TP.HCM. Vượt qua giới hạn này là vỡ trận”, ông Phong lưu ý.

Nguyễn Quân