Từ đầu năm 2021 tới nay, Việt Nam ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong vì HIV. Ước tính đến hết năm 2021, Việt Nam phát hiện khoảng 13.000 trường hợp mới nhiễm HIV và 2.000 trường hợp tử vong.

hiv aids
Ước tính hết năm 2021, Việt Nam 2.000 người tử vong vì HIV. (Ảnh minh họa: Jarun Ontakrai/shutterstock)

Theo thống kê từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV còn sống đến thời điểm ngày 30/9/2021 là 212.769 trường hợp. Trung bình mỗi năm, Việt Nam phát hiện khoảng 12.000 người nhiễm.

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam ghi nhận 10.925 trường hợp mới nhiễm HIV, trong đó có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 16 đến 29 (chiếm 46%) và 30 – 39 (chiếm 29%); đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 79,1%) và qua đường máu (chiếm 9,9%).

Từ đầu năm 2021 tới nay, Việt Nam ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, Việt Nam phát hiện khoảng 13.000 trường hợp mới nhiễm HIV và 2.000 trường hợp tử vong. So với năm 2020, số người nhiễm HIV được phát hiện có xu hướng gia tăng.

Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết việc lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng, từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%.

Dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng đặc biệt ở các tỉnh thành phố lớn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Số người nhiễm do quan hệ tình dục đồng giới nam có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Hiện nhóm này được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.

Cũng theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, việc giãn cách xã hội do COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì điều trị cho bệnh nhân HIV. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân sống tại khu vực bị cách ly, phong tỏa đã không thể đến được các cơ sở điều trị để khám, lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm định kỳ; nhất là với những người nhiễm HIV do sợ bị kỳ thị nên lựa chọn giải pháp đi đến các cơ sở điều trị xa nơi mình ở, thậm chí đến các tỉnh, thành phố khác để điều trị.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa do tác động của COVID-19 đã dẫn đến nhiều người nhiễm HIV thất nghiệp, thẻ BHYT bị gián đoạn, hết hiệu lực, dẫn đến việc người nhiễm HIV không thể tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, trong đó có điều trị thuốc ARV (Antiretroviral – thuốc kháng HIV).

Tại các thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương… nhiều người nhiễm HIV là công nhân trong doanh nghiệp đã lựa chọn phương án quay trở về quê hương, không tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế mà họ đang điều trị.

Bác sĩ Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS, Cục phòng chống HIV/AIDS khẳng định, so với người bình thường, người nhiễm HIV có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn khoảng 30%. Cùng với đó, tỷ lệ phải nhập viện cũng cao hơn so với người không nhiễm HIV.

Theo thống kê, TP.HCM mỗi năm phát hiện thêm khoảng 5.500 người nhiễm HIV, trong đó gần 60% người nhiễm do quan hệ tình dục đồng giới nam. Trong khi đó, 10 năm trước, tỷ lệ này chỉ 1,7%. Tổng số người nhiễm HIV/AIDS của TP.HCM chiếm khoảng 25% tổng số người nhiễm cả nước.

Tại Hà Nội, hiện có 23 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đến tháng 9/2021, Hà Nội có 13.481 người nhiễm HIV đang duy trì điều trị ARV tại các cơ sở y tế công lập. Người nhiễm HIV tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động (25-49 tuổi) với 60% tổng số người được phát hiện. Đáng lưu ý, hiện cả 30/30 quận, huyện, thị xã và hơn 99% xã, phường, thị trấn tại thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Sự thật gây sốc về hàng triệu bệnh nhân HIV/AIDS ở Trung Quốc