Hai dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM và 3 dự án đang được triển khai tại Hà Nội nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, đội vốn gần 84.000 tỷ đồng. Cả 5 dự án đều chưa hẹn ngày vận hành thương mại cụ thể.

duong sat do thi cat linh ha dong
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Con số trên được thể hiện trong báo cáo của Bộ GTVT gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo báo cáo, hai thành phố trên đang triển khai thực hiện đầu tư 6 tuyến đường sắt đô thị (trong đó Bộ GTVT chủ đầu tư 2 dự án, UBND TP. Hà Nội chủ đầu tư 2 dự án và UBND TP.HCM chủ đầu tư 2 dự án).

Các dự án này bao gồm: dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi), giai đoạn I; dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông; dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên; dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM tuyến Bến Thành – Tham Lương.

Trong 6 dự án này, ngoài dự án Yên Viên – Ngọc Hồi hiện chưa rõ phương án đầu tư, còn lại cả 5 dự án đều đang đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đội vốn 9.231 tỷ đồng

Tuyến Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 và năm 2017 là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc. Theo quyết định phê duyệt, dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2008, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2013. Tuy vậy hiện nay, dự án được điều chỉnh thời gian thực hiện đầu tư đến tháng 3/2021 và vẫn chưa hẹn ngày khai thác thương mại.

Dự án Cát Linh – Hà Đông ‘ì ạch bàn giao’, Bộ Tài chính phải ứng tiền trả nợ vay

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội đội vốn hơn 10.000 tỷ đồng

Tuyến Nhổn – ga Hà Nội có tổng mức đầu tư là 783 triệu Euro. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.176 triệu Euro, tăng gần 400 triệu Euro (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ, gồm: Chính phủ Pháp; Cơ quan phát triển Pháp – AFD; Ngân hàng đầu tư châu u – EIB; Ngân hàng phát triển châu Á – ADB và nguồn vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến năm 2022.

Dự án tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đội vốn hơn 16.000 tỷ đồng

Tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo có tổng mức đầu tư ban đầu là 19.555 tỷ đồng, tương đương 131.023 triệu Yên Nhật. Tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh của dự án là 35.679 tỷ đồng, tương đương 195.365 triệu Yên Nhật, tăng 16.142 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 – 2015. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh dự án nên dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến là năm 2027; thời điểm kết thúc công tác đào tạo vận hành bảo dưỡng là 5 năm (từ năm 2027 đến năm 2032).

Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm vốn vay ODA Nhật Bản là 164.762 triệu Yên Nhật, tương đương 30.129 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội là 5.549 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên đội vốn 26.400 tỷ đồng

Tuyến Bến Thành – Suối Tiên có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2007 và 2008 là 17.387 tỷ đồng, tương đương 126.582,65 triệu Yên Nhật. Đến năm 2019, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư là 43.757 tỷ đồng, tăng hơn 26.400 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2007 và dự kiến hoàn thành công trình đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga nên thời gian hoàn thành công trình đưa vào khai thác được điều chỉnh tới quý IV/2021 và thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng là năm 2026.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (38.265,55 tỷ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách TP. HCM (5.491,6 tỷ đồng).

Dự án tàu điện ngầm Bến Thành – Tham Lương đội vốn hơn 21.700 tỷ đồng

Tuyến Bến Thành – Tham Lương có tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt vào năm 2010 là 1.374 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh vào năm 2019 là 2.093,59 triệu USD (tương đương 47.890 tỷ đồng), tăng hơn 21.700 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Thời gian hoàn thành dự án ban đầu được duyệt là năm 2018 và được Thủ tướng Chính phủ gia hạn đến năm 2020 để làm cơ sở gia hạn các Hiệp định vay đã ký theo ý kiến của của các nhà tài trợ. Căn cứ tình hình thực tế của dự án, do thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở, tính toán, cập nhật lại tổng mức đầu tư nên thời gian hoàn thành dự án đã được điều chỉnh, với thời hạn tổ chức thi công là từ năm 2022 – 2026 và thời hạn kiểm tra, vận hành chạy thử và bàn giao khai thác là cuối năm 2026.

Dự án sử dụng vốn vay ODA từ 3 nhà tài trợ, gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu u (EIB).

Như vậy, tính tổng cả 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đã đội vốn gần 84.000 tỷ đồng và chưa có dự án nào hẹn ngày vận hành thương mại cụ thể.

Minh Long

Xem thêm:

Tổng thầu Trung Quốc ‘từ chối hợp tác’ để hoàn thiện đường sắt Cát Linh-Hà Đông