Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét, cân nhắc ý kiến áp dụng cách phong tỏa như đối với TP Vũ Hán (Trung Quốc), song đưa ra nguyên tắc khoanh vùng vừa đủ để vừa dập dịch, vừa phát triển kinh tế.

Thông tin trên do ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra khi trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ vào chiều nay, 3/8, truyền thông trong nước đưa tin.

dua do tiep te rao chan phong toa 1
Người dân chuyển đồ tiếp tế cho khu vực bị phong tỏa, ngày 2/8. (Ảnh: Đ.T/Trí Thức VN)

“Lây nhiễm ở Đà Nẵng đã diễn ra âm thầm 2 tháng nay rồi”

Ý kiến phong tỏa “như Vũ Hán” (Trung Quốc) do ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đề xuất tại cuộc họp của Chính phủ với các tỉnh, thành vào chiều 2/8.

Trong đợt bùng phát dịch này, ông Nhân lưu ý 7 tỉnh, thành phố có nguy cơ rất lớn dịch xảy ra nghiêm trọng hơn nữa, gồm Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh giáp ranh Đà Nẵng là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là tình hình tại Đà Nẵng.

Dẫn thông tin, ông Nhân cho biết trong các tiêu chí mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố một quốc gia có dịch, có tiêu chí bình quân cứ một triệu dân thì 10 người nhiễm virus Vũ Hán (nCoV). Việt Nam hiện ghi nhận 2,7 người nhiễm trên một triệu dân nên về tổng thể vẫn an toàn.

“Riêng với Đà Nẵng, đến nay có 103 người nhiễm/dân số 1 triệu người, tức là bình quân 1 triệu người Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm, gấp 10 lần chỉ số một quốc gia coi là có dịch mà Tổ chức Y tế thế giới công bố. Như vậy, Đà Nẵng có mức độ rất cao, cần xác định Đà Nẵng là trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm”, theo ông Nhân.

“Bộ Y tế báo lây nhiễm ở Đà Nẵng đã diễn ra âm thầm khoảng 2 đến 2,5 chu kỳ, tức là âm thầm 2 tháng nay rồi, nên số Đà Nẵng phát hiện tăng vọt là do ta xét nghiệm kiểm tra thôi, chứ họ đã nằm đấy sẵn rồi rồi, nên đề nghị Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn”, ông Nhân nói, theo Thanh Niên ngày 2/8.

Ông Nhân cho rằng theo kinh nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc), khi xảy đến mức cao nhất thì chính quyền yêu cầu tất cả mọi người ở nhà, mỗi nhà chỉ được một người đi chợ một lần trong ngày. Sau đó, không ai được đi chợ nữa, mỗi gia đình được phát phiếu thông tin nhu yếu phẩm và chính quyền giao đến từng nhà.

Ông Nhân cũng nêu vấn đề năng lực cách ly của Đà Nẵng. Ông Nhân cho biết ở TP.HCM trung bình cứ một người nhiễm thì phải cách ly 280 người liên quan, nếu áp dụng chỉ số này cho Đà Nẵng hiện nay có 100 người nhiễm thì cần 28.000 chỗ cách ly ở các cấp. Rõ ràng, thành phố Đà Nẵng không thể đủ chỗ cho số lượng này. Đà Nẵng đang cho xây dựng bệnh viện dã chiến ở trung tâm thể thao với 1.000 chỗ, nhưng với số người 28.000 thì rất nhỏ bé. Từ đó, phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất. Ông Nhân đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu theo hướng này.

Ông Nhân đưa ra dự báo từ ngày 23-30/8 là giai đoạn có nguy cơ, nếu không có giải pháp mạnh, Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/1 triệu dân. “Nếu không làm quyết liệt thì sau thời gian vàng 30 ngày sắp tới, ta sẽ vào diện cả quốc gia có dịch, còn hiện nay là không có”, ông Nhân nói.

Cũng trong chiều 2/8, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng đang dự trù phương án cách ly tại nhà, đã chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để nếu khu cách ly công cộng quá tải, có nguy cơ lây nhiễm chéo, thì sẽ dùng tới phương án này.

“Chỉ khoanh vùng với bán kính vừa đủ…” 

Về phía Chính phủ, ông Dũng cho biết quan điểm chung của Thủ tướng là chỉ khoanh vùng với bán kính vừa đủ để vừa dập dịch mà vẫn đảm bảo kinh tế.

“Phải tính toán làm sao vừa đủ là quan trọng. Bài học Singapore khi khu công nhân 380.000 người có ca nhiễm nhưng họ đã đóng cửa toàn quốc và phải chi trả hơn 100 tỷ đô la Singapore để giải cứu, trong khi 99% ca lây nhiễm là trong khu ký túc xá của công nhân. Sau đó, nhiều chuyên gia kinh tế và cả y tế cho rằng chỉ cần cách ly khu trung tâm ký túc xá là đã giải quyết vấn đề, không cần phong tỏa toàn quốc”, ông Dũng dẫn ví dụ.

Với tình hình Việt Nam, ông Dũng dẫn việc Thái Bình chỉ khoanh một thôn Bùi khi phát hiện 1 ca nhiễm, chứ không cần phong tỏa cả xã, cả huyện. Ông Dũng cho rằng thời gian qua vẫn có địa phương chưa phát hiện ca nhiễm, hoặc có địa phương có ca nhiễm nhưng rõ nguồn là từ Đà Nẵng về nhưng đã phản ứng với “trạng thái cứng quá”, theo Thanh Niên chiều tối 3/8.

Ông Dũng cho rằng ổ dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đã được khoanh vùng ngay và các giải pháp đưa ra cũng rất đồng bộ. Cư dân xung quanh các khu vực có dịch là bệnh viện, người thăm thân, bệnh nhân… cũng được khoanh vùng và kiểm soát chặt chẽ. TP.HCM, Hà Nội đã phản ứng rất nhanh để ngăn chặn trước các nguy cơ lây nhiễm.

Khi được hỏi về việc này, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, nói rằng ý kiến phong tỏa như Vũ Hán mà ông Nhân nêu “sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để áp dụng phù hợp tuỳ tình hình”.

Với phương án cách ly tại nhà do ông Thơ đưa ra, ông Cường cho hay Bộ Y tế đã đưa ra phương án cụ thể và sẵn sàng áp dụng khi cần thiết.

Ông Cường cũng cho biết hiện các khu cách ly tập trung đang “tương đối đông”. Vì vậy, các địa phương cần tính đến phương án cách ly tại nhà nếu các khu cách ly tập trung quá tải. Bộ Y tế đã chuẩn bị hướng dẫn các địa phương việc cách ly tại nhà, tại khu dân cư, trường học, nhà máy…, sẽ thực hiện khi có yêu cầu, Vnexpress chiều tối 3/8 dẫn tin.

Nguyễn Quân

Xem thêm: