Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tối 18/6 dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao nước này cho biết trong vài ngày tới, Việt nam sẽ nhận được 500.000 liều vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc tặng. Còn theo báo Tuổi trẻ trích dẫn thông tin từ Bộ Y tế, 500.000 liều vắc-xin Sinopharm sẽ đến Việt Nam vào ngày 20/6.

Trước đó, hôm 3/6, Bộ Y Tế Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vắc-xin COVID-19 Vaccine (Vero Cell) Inactivated do hãng Sinopharm sản xuất (thường gọi là vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc).

Vắc-xin này được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm; mỗi liều 0,5ml chứa 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt, sản xuất tại Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn dược Sinopharm, Trung Quốc.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (thuộc Bộ Y tế) là đơn vị đề nghị phê duyệt loại vắc-xin này.

Hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) cho rằng hiện vắc-xin này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn và đã được 41 nước phê chuẩn cấp phép khẩn cấp.

Theo đó, đây là loại vắc-xin thứ 3 trong 4 loại Việt Nam đã phê duyệt để đưa vào sử dụng. Ba loại vắc-xin được phê duyệt có điều kiện khác là vắc-xin COVID-19 AstraZeneca (Anh), vắc-xin COVID-19 Sputnik V (Nga), và vắc-xin của hãng Pfizer (Mỹ).

Theo báo Tuổi trẻ, sau khi về Việt Nam, vắc-xin Sinopharm “sẽ được kiểm định chất lượng và tiêm chủng cho một số nhóm có nhu cầu.”

Ngay trước đợt tặng vắc-xin của Trung Quốc, Việt Nam đã nhận gần 1 triệu liều vắc-xin AstraZeneca do chính phủ Nhật Bản trao tặng trong ngày 17/6. Phần lớn số vắc-xin này sẽ được chuyển tới TP. HCM để tiêm cho các lực lượng quân đội, công an và những đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết 21, với mục tiêu tiêm khoảng hơn 200.000 liều/ngày.

Trung Quốc cho đến nay vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “ngoại giao vắc-xin” tới khu vực Đông Nam Á. Bắc Kinh cho biết đã cung cấp khoảng 100 triệu liều tới ASEAN, theo Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 8/6.

Việt Nam cho đến nay là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chưa tiêm vắc-xin Trung Quốc và cũng không có kế hoạch mua vắc-xin Trung Quốc. Các loại vắc-xin mà Việt Nam đang đặt mua bao gồm 5 triệu liều từ Moderna, 20 triệu liều từ Sputnik V, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer. Việt Nam dự kiến cũng sẽ nhận được 38.9 triệu liều từ chương trình COVAX của WHO.

Hiệu quả gây tranh cãi của vắc-xin Trung Quốc

Cho đến nay, ngoại trừ tỷ lệ bảo vệ hiệu quả 79,34% do tự Trung Quốc tuyên bố thì không có dữ liệu chi tiết nào khác được cung cấp. Hầu hết các báo cáo đều trích dẫn từ báo cáo của truyền thông Trung Quốc, không phải số liệu chuyên nghiệp.

Tất cả dữ liệu trong hồ sơ được cung cấp bởi Sinopharm và các quốc gia tiến hành thử nghiệm lâm sàng, WHO hay bất kỳ bên nào khác vẫn chưa xác minh độc lập các dữ liệu này. Trong khi đó, những quốc gia này cũng không được biết đến là có độ minh bạch và dữ liệu chính xác.

Theo một số chuyên gia, WHO đã và đang mắc những sai lầm đối với vấn đề dịch bệnh, từ phủ nhận việc lây truyền từ người sang người trong thời kỳ đầu dịch bùng phát, hoặc từng khuyên các quốc gia không nên cấm các chuyến bay đến Trung Quốc, cho đến việc tiến hành nghiên cứu chung với ĐCSTQ. Gần đây, báo cáo chung giữa WHO và Trung Quốc còn cho rằng việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “rất khó xảy ra”, trong khi giới tình báo Mỹ và một số nhà khoa học cho biết có nhiều bằng chứng khẳng định điều ngược lại. Do vậy, việc phê duyệt để sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin Sinopharm bị nghi ngờ không chỉ có yếu tố khoa học mà còn có nhiều phần về chính trị.

Hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc hiện vẫn gây tranh cãi. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile, sau khi tiến hành tiêm chủng vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, tỷ lệ lây nhiễm không những giảm đi mà còn tăng lên. Trước khủng hoảng niềm tin của người dân vào vắc-xin nội địa, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, ông Cao Phúc (Gao Fu) đã có dịp hiếm hoi thừa nhận “tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc là thấp”.

Truyền thông Peru đưa tin, hai loại vắc-xin của Sinopharm phát triển trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại địa phương có tỷ lệ hiệu quả chỉ là 11,5% và 33%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hiệu quả mà Sinopharm tuyên bố là gần 80%, thậm chí còn thấp hơn ngưỡng 50% mà WHO đặt ra.

Tại Pakistan, Tổng thống Pakistan Arif Alvi đã bị nhiễm virus corona 2 tuần sau khi tiêm liều đầu tiên của vắc-xin Sinopharm, theo chính quyền xác nhận hôm 30/3. Trước đó, thủ tướng Pakistan Imran Khan và phu nhân cũng bị mắc COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin của hãng Sinopharm.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào đầu tháng 5 đã cảnh báo người dân nước này không nên đi theo “vết xe đổ” của ông khi tiêm vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc. Đây là loại vắc-xin chưa được cơ quan quản lý y tế của Philippines cấp phép sử dụng. Manila cũng đề nghị Trung Quốc nhận lại 1.000 liều vắc-xin Sinopharm đã viện trợ.

Gần đây nhất, khả năng miễn dịch của vắc-xin Sinopharm đã vấp phải nghi ngờ sau khi các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain thông báo sẽ tiêm liều thứ 3 cho những ai đã tiêm 2 liều vắc-xin nói trên sau 6 tháng.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: