Trong đó, có 14 ổ dịch do virus H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1.

cum gia cam 2
Việt Nam đang có 16 ổ dịch cúm gia cầm. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết cả nước hiện có 16 ổ dịch cúm gia cầm (gồm 14 ổ dịch do virus H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1) chưa qua 21 ngày tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh.

Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy đến thời điểm này là 55.071 con.

Trong ngày 16/2, có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 phát sinh tại tỉnh Thanh Hóa và 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Trà Vinh, làm 970 con gà vịt tại Thanh Hóa chết và 1.704 con gia cầm tại Trà Vinh chết.

Ngoài ra, đến thời điểm này, theo ông Long, dịch tả heo châu Phi đã ở dưới đáy của chu kỳ, cơ bản được khống chế. Số lượng heo phải tiêu hủy do dịch đang giảm dần trong tháng 1 và 2.

Đến nay, có 8.200 xã (chiếm 96% tổng số xã có dịch) đã qua 30 ngày nhưng không tái phát; trong đó có 30 tỉnh thành có 100% số xã đã qua 30 ngày; 29 tỉnh thành có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.

Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus từ các loài gia cầm (hay chim) gây ra, có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên là tại Italy vào đầu thập niên 1990, hiện xuất hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Cúm gia cầm có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài như gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi.

Theo các chuyên gia, virus H5N6 lây truyền từ gia cầm sang người qua tiếp xúc với phân hoặc từ các dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt gia cầm bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt. Ngoài ra, virus cúm A H5N6 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh trong quá trình chế biến, nấu nướng không chín, ăn tiết canh.

Các chuyên gia y tế cảnh báo cúm H5N6 có thể lây truyền cho người.

Trần Tâm