Thời gian qua, ngành chăn nuôi tại Việt Nam phải chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch COVID-19, nên giá lợn hơi giảm mạnh trong 3 – 4 tháng, khiến hầu hết người nuôi lỗ nặng. Người nông dân chưa kịp “hoàn hồn” thì nay lại tiếp tục đối mặt nguy cơ dịch tả lợn châu Phi trở lại.

ta lon chau phi ha giang
Giới hữu trách Hà Giang tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. (Ảnh: baohagiang.vn)

53 tỉnh, thành có dịch; số lợn bệnh bị tiêu hủy gấp 2 lần cùng kỳ năm 2020

Ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam xảy ra 1.834 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 1.672 xã, 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 112.092 con, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020 với trọng lượng tiêu hủy ước tính trên 5.500 tấn.

Một số tỉnh có số lượng lợn nhiễm bệnh lớn như Nghệ An 20.196 con, Hà Tĩnh 15.048, Lạng Sơn 10.205 con, Cao Bằng 8.102 con, Tuyên Quang 3.932 con, Hà Giang 6.952 con, Quảng Nam 4.784 con… Hiện Việt Nam có 497 ổ dịch tại 149 huyện của 37 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, với tổng số lợn tiêu hủy là 40.719 con.

Ông Nguyễn Văn Đông cho rằng, nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại trong thời gian gần đây là do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam vẫn cao, do tập trung phòng dịch COVID-19. “Ở một số địa phương, chính quyền còn chưa quan tâm xử lý những trường hợp vi phạm quy định về phòng dịch nên nguy cơ tái phát dịch là rất cao”, ông Đông nói.

Người chăn nuôi lợn đứng bên bờ vực phá sản, kiệt quệ

Anh Sềnh A Thào (xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) buồn bã nói “dịch tả lợn Châu Phi như cướp đi của gia đình anh tất cả”. Những năm trước, đàn lợn của anh cho thu lãi cả trăm triệu mỗi năm. Toàn bộ chi tiêu trong nhà đều trông cậy vào đàn lợn. Khi dịch bùng phát thì mất trắng. Hàng trăm con lợn phải tiêu huỷ trong thời điểm gần thu hoạch. Tình hình như hiện tại thì khó có thể tái đàn. Dịch đến, lợn chết cuộc sống cũng từ đó mà khó khăn, theo báo Lao Động.

Ông Nguyễn Như So – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco (là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lợn với quy mô hàng đầu) chia sẻ trên báo Kinh Tế Đô Thị, với mức giá bán ra hiện nay, công ty đang phải chịu cảnh cứ mỗi con lợn bán ra lại lỗ 1 con.

“Lúc giá thịt lợn lên cao, Chính phủ và các bộ ngành kêu gọi doanh nghiệp bình ổn phải hạ giá xuống thấp. Thế nhưng bây giờ giá lợn xuống thấp, doanh nghiệp đang thiệt hại song không thấy ai nói gì?”, theo ông So.

Ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (đơn vị chuyên giết mổ, chế biến thịt lợn cung ứng cho các chuỗi siêu thị Hà Nội), nói “trung bình mỗi ngày công ty đang lỗ vài chục triệu đồng”.

Trong ngày 21/10, giá lợn hơi cả 3 miền vẫn tiếp tục giảm sâu xuống mức 32.000 – 38.000 đồng/kg, giảm 60% so với đầu năm.

Nói về nguyên nhân khiến giá lợn giảm sâu, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi phải chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch COVID-19, nên giá lợn hơi giảm mạnh trong 3 – 4 tháng qua. Hiện  số lợn quá lứa nhưng chưa xuất được khoảng 8 triệu con, tương đương 30% tổng sản lượng.

Báo Tiền Phong dẫn lời ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ngành chăn nuôi lợn đang ở trong cảnh khó khăn kép chưa từng có. Người nông dân chưa kịp “hoàn hồn” khi giá lợn rớt xuống mức kỷ lục khiến hầu hết người nuôi lỗ nặng, nay lại tiếp tục đối mặt nguy cơ dịch tả lợn châu Phi trở lại.

“Hệ lụy của đợt dịch tả lợn châu Phi vào năm 2019 vẫn còn ảnh hưởng đối với người chăn nuôi. Số hộ nuôi lợn giảm từ 3 triệu hộ xuống còn 2 triệu hộ. Số hợp tác xã nuôi lợn cũng giảm khoảng 14%, còn số trang trại nuôi lợn giảm hơn 30%. Rất nhiều nông hộ và trang trại bỏ nghề chăn nuôi từ đợt đó, chủ yếu do cạn vốn. Nếu lần này dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, người chăn nuôi sẽ kiệt quệ và số nông hộ và trang trại nuôi rời bỏ thị trường sẽ còn nhiều hơn trước”, ông Trúc nói.

Ông Nguyễn Văn Trọng cho hay đến nay, Việt Nam có khoảng 28 triệu con lợn.

“Từ nay đến cuối năm, việc buôn bán, vận chuyển lợn gia tăng mạnh, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán nên dịch bệnh càng dễ lây lan, nhất là trong bối cảnh người dân đang thiệt hại nặng do tác động của dịch COVID-19”, ông Trọng nói.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Nợ công hơn 3,7 triệu tỷ đồng, Việt Nam tính trả gần 366 nghìn tỷ, vay mới 571 nghìn tỷ