Bộ Tài chính Việt Nam vừa trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch thành lập nguồn quỹ để mua 150 triệu liều vắc-xin COVID-19 tiêm cho 75 triệu người. Ước tính quỹ này cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD); nguồn vốn lâu dài cần từ nguồn tài trợ. 

quy vac xin covid 19
Hơn 1 triệu người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca tại Việt Nam, tính đến hết ngày 20/5/2021. Bộ Tài chính, Bộ Y tế đang lên kế hoạch tiêm các loại vắc-xin ngừa COVID-19 cho 75 triệu người. (Ảnh minh họa: Adrianosiker.com/Shutterstock)

Tờ trình xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ký gửi Chính phủ, theo chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Phạm Minh Chính – thông báo vào tối 19/5 của Bộ Tài chính cho hay.

Bộ này dẫn tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Tổng kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, khoảng 21 nghìn tỷ đồng là kinh phí mua vắc-xin; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tiêm thuốc khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

25,2 nghìn tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách trung ương 16 nghìn tỷ đồng, còn khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng từ ngân sách địa phương và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức.

Đáng lưu ý, Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng khi dịch kéo dài thì nhu cầu vắc-xin hàng năm tăng cao, kinh phí mua vắc-xin sẽ lớn, nên nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước thì sẽ “khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân”.

Bộ này dẫn Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó nêu kinh phí mua vắc-xin gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ, tài trợ, của các tổ chức, cá nhân và do các tổ chức, cá nhân tiêm vắc-xin tự nguyện chi trả.

Do đó, Bộ Tài chính cho biết việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 để vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ; tiếp nhận, quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ cho hoạt động tài trợ, hỗ trợ mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Tài chính đưa ra cam kết rằng Quỹ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước. Quỹ có trách nhiệm thực hiện báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán tài chính quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội và NSNN; thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có).

Đợt tiêm chủng bắt đầu từ ngày 8/3 của Việt Nam đang sử dụng duy nhất vắc-xin COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh). Theo số liệu được công bố, ngày 20/5 thêm 4.897 người đã được tiêm loại thuốc này, nâng tổng số người đã tiêm cả đợt 1 và 2 lên 1.021.085 người. Trong đó, 28.821 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Chiều 18/5, Bộ Y tế thông báo đã ký hợp đồng với Công ty Pfizer (Mỹ) mua 31 triệu liều vắc-xin mang tên hãng này. Theo thỏa thuận, Pfizer sẽ cung cấp cho Việt Nam 31 triệu liều vắc-xin trong năm 2021, trong đó 15,5 triệu liều cung cấp trong quý 3 và số còn lại cung cấp trong quý 4.

Ngoài ra, Việt Nam hiện đang giữ một lô 1.000 liều vắc-xin Sputnik V, được đưa đến Việt Nam theo diện quà tặng, bởi Thư ký Hội đồng An ninh liên bang Nga Nikolai Patrushev hôm 16/3. Loại vắc-xin này được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vào ngày 23/3.

Sơn Nguyên

Xem thêm: