Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines về số lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm xả ra môi trường biển.

chartoftheday 12211 the countries polluting the oceans the most n
Top các nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất (theo Wall Street Journal)

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Úc, đứng đầu bởi Jenna Jambeck – một kỹ sư môi trường tại Đại học Georgia, đã phân tích mật độ rác thải nhựa (bao gồm chai nhựa, túi nilon,…) ở các đại dương trên thế giới. Họ phát hiện rằng Trung Quốc và Indonesia là nơi tạo ra lượng rác thải nhựa hàng đầu thế giới gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.

Theo thống kê của báo Wall Street Journal, 1/3 số lượng rác thải nhựa xả ra môi trường biển của thế giới là tới từ hai nước này.

Thống kê được thực hiện từ năm 2010 của báo này cho biết số lượng rác thải nhựa xả trái phép ra biển hàng năm của Trung Quốc là 8,8 triệu tấn và Indonesia là 3,2 triệu tấn. Philippines đứng thứ 3 với 1,9 triệu tấn và Việt Nam đứng thứ 4 với 1,8 triệu tấn.

Còn theo báo cáo năm 2017 của Ocean Conservacy, 5 nước Châu Á là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là những nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại.

Contamination Garbage Environment Waste Plastic 3151246
Rác thải nhựa trên biển (Ảnh: Max Pixel)

Khi đã lọt ra biển thì rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Vì thế, có tới hơn 90% lượng rác trôi nổi trên mặt biển là rác thải nhựa.

Liên Hợp Quốc cho biết mỗi năm, trên thế giới có tới 300 triệu tấn nhựa được sản xuất và hầu hết số nhựa này không được tái chế; 79% lượng rác thải nhựa đang bị chôn vùi trong các bãi rác, trong đất hoặc đổ vào đại dương.

Theo kịch bản xấu nhất mà tổ chức bảo tồn Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025 trên các đại dương khắp thế giới cứ có 3 tấn cá thì sẽ có 1 tấn rác thải nhựa.

Về phương diện sức khỏe, các nghiên cứu y khoa đã cho thấy một khi các loài cá ăn phải các hạt nhựa trôi nổi trên biển, chúng sẽ mắc phải bệnh gan và chết nhanh hơn bình thường.

Sức khoẻ con người cũng bị ảnh hưởng bởi những chất độc hại từ nhựa cũng có thể lưu tồn trong hải sản mà chúng ta ăn.

Theo chuyên gia, hạn chế, cắt giảm sử dụng đồ chế biến từ nhựa là cách duy nhất để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và với sức khoẻ của con người.

Một số biện pháp đơn giản mỗi người có thể tiến hành ngay lập tức như:

  • Hạn chế hoặc không uống nước chai nhựa đóng sẵn, mà uống từ vòi nước, hoặc mang theo bình nước cá nhân
  • Hạn chế hoặc không sử dụng các đồ nhựa trong ăn uống như: ống hút nhựa, thìa, đĩa, bát, cốc nhựa
  • Khi đi mua hàng, hãy mang theo túi đựng đồ của bạn thay vì sử dụng túi ni lông của cửa hàng, siêu thị
  • Phân loại rác thải
  • 14 cách đơn giản để giảm thiểu rác thải nhựa

Cùng với việc thay đổi thói quen tiêu dùng của bản thân, mỗi người cũng có thể góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa bằng cách nói với bạn bè, người thân về việc này và đề nghị họ cùng tham gia; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương, như việc thu gom rác thải, phân loại rác thải.

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: