Thời gian gần đây, nhiều lao động tại Việt Nam “xuất ngoại” sang Campuchia làm việc vì tin tưởng “việc nhẹ lương cao”, sau đó bị đánh đập, bị đòi tiền chuộc.

cac doi tuong duong day dua nguoi sang campuchia
Các đối tượng tham gia đường dây đưa người trái phép qua Campuchia bị bắt giữ. (Ảnh từ công an Đồng Nai)

Ngày 2/7, công an tỉnh Đồng Nai cho biết cơ quan điều tra vừa bắt giữ 7 nghi can trong đường dây đưa gần 200 người qua Campuchia trái phép.

7 người bị bắt để điều tra về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, gồm: Vòng Phát Chương (ngụ TP HCM); Nguyễn Văn Khánh, Phạm Thanh Quy, Lê Văn Lộc, Huỳnh Văn Út, Huỳnh Thanh Phong và Chế Minh Nhật (tất cả cùng ngụ tỉnh Tây Ninh).

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nghi can Chương quen biết với Vương Văn Thành (chưa rõ lai lịch) ở Campuchia qua mạng xã hội.

Đầu năm 2022, Thành cho biết tại công ty Thành làm ở Campuchia cần tuyển nhiều người nên đề nghị Chương tìm người. Nếu đưa được người đến điểm hẹn ở TP.HCM để Thành đưa sang nước ngoài, Chương sẽ được trả tiền.

Các nghi can Phong, Nhật, Khánh, Lộc, Út, Quy đều tham gia tổ chức đưa người sang Campuchia. Để việc đưa người xuất cảnh trái phép được trót lọt, nhóm nghi can này sử dụng xe máy, ô tô phân công việc cụ thể cho từng người.

Những người này tìm cách rủ rê, hứa hẹn giới thiệu việc làm nhẹ, có thu nhập cao tại khu vực tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng đưa đến nhiều địa điểm khác nhau, sau đó tìm cách đưa qua biên giới Campuchia bằng đường tiểu ngạch.

Với thủ đoạn trên, tính từ đầu năm 2022 đến khi bị bắt, Chương cùng nhóm đối tượng trên đã đưa gần 200 người sang Campuchia trái phép.

Người lao động bị đánh đập, bỏ đói, chích điện… khi làm việc tại Campuchia

Ngoài Đồng Nai, thời gian qua, báo chí nhà nước cũng cho biết các tỉnh thành như Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, Gia Lai… cũng có nhiều trường hợp bị sập bẫy sang Campuchia làm việc với “việc nhẹ, lương cao”. Nhiều gia đình phải tốn hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để “chuộc” con em mình từ Campuchia về Việt Nam.

Theo truyền thông nhà nước, giữa tháng 6/2022, người thân của em L.H.Q. (SN 2003, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) phải chuyển 160 triệu đồng, em Q. mới được thả về Việt Nam sau hơn 1 tháng sống lay lắt trên đất Campuchia.

Thông qua mạng xã hội, em Q. nhận được thông báo tuyển lao động sang Campuchia với mức lương “khủng” 800 USD/tháng.

Theo “nhà tuyển dụng”, công việc rất nhàn, không cần kinh nghiệm, chỉ cần biết sử dụng máy tính.

Thế nhưng, sau khi qua Campuchia, em Q. bị những người nước ngoài ép giao chỉ tiêu lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu chống đối thì sẽ bị đánh đập, bỏ đói, bị chích điện.

Tương tự, ngày 22/6, 3 gia đình ở xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) cho biết nhiều ngày qua, họ không thể liên lạc được với các con trai gồm: N.A.T, Đ.V.R, T.V.N.

Theo trình báo của thân nhân những nạn nhân này, đầu tháng 4/2022, có 1 phụ nữ tên Th. ở xã đến nhà của các nạn nhân và nói rằng sẽ đưa qua Campuchia làm việc, hứa nếu những thanh niên này không làm được việc thì sẽ đưa về.

Sau khi được các gia đình đồng ý, Th. đưa 3 thanh niên trên đi làm hộ chiếu, rồi đến sân bay Phú Bài (Huế) vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để xuất cảnh qua Campuchia.

Từ lúc sang Campuchia, 3 thanh niên này có liên hệ với gia đình qua messenger là đang làm việc tại công ty của một phụ nữ (người Việt Nam). Ngày 17/6, các thanh niên này báo về với gia đình là bị cưỡng bức lao động và đang tìm cách chạy trốn. Từ ngày 17/6 đến ngày 27/6, cả 3 gia đình không thể liên hệ được với 3 thanh niên…

Trước các vụ việc trên, giới hữu trách khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước thủ đoạn tuyển lao động với mức thu nhập cao trên các trang mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người.

Bằng thủ đoạn đăng tải các bài viết trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động với mức thu nhập cao, sau khi dụ dỗ, các đối tượng đưa nạn nhân đến khu vực giáp ranh biên giới rồi đưa qua Campuchia bất hợp pháp, ép nạn nhân làm công việc không trả lương hoặc bán cho các công ty của người Trung Quốc; nạn nhân bị bóc lột sức lao động, bị ép buộc ký các hợp đồng lao động, nếu muốn trở về nước thì phải chuyển tiền chuộc cho các đối tượng.

Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về nơi làm việc như: tên công ty, địa chỉ nơi làm việc, công việc cụ thể, kiểm tra tính xác thực của những thông tin này trước khi đến làm việc. Đồng thời, thông tin đến người thân trong gia đình và những người xung quanh biết để nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa giới thiệu việc làm, nhất là con em trong độ tuổi thanh thiếu niên đang có nhu cầu tìm việc làm.

Minh Long