Các em học sinh lớp 10 tại Việt Nam sẽ phải học Luật An ninh mạng bắt đầu từ năm nay (2021).

luat an ninh mang
Học sinh lớp 10 phải học luật An ninh mạng. (Ảnh minh họa:Shutterstock)

Theo Thông tư số 46/2020 của Bộ Giáo dục Việt Nam về “Ban hành chương trình môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông” có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, học sinh lớp 10 phải học về Luật an ninh mạng.

Các em phải đáp ứng yêu cầu: “Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng. Bảo mật được thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng…”.

Đối với các em học sinh lớp 11, với nội dung “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia”, các em phải đáp ứng yêu cầu: “Nêu và phân tích được những nội dung cơ bản về chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia; những nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; Luật biển Việt Nam; những khái niệm về biên giới và đường biên giới đất liền, trên biển, thềm lục địa, trên không, trong lòng đất…”.

Thông tư số 46 cũng cho thấy trong chương trình Giáo dục quốc phòng của học sinh lớp 12 có học về chiến tranh biên giới Tây Nam với Campuchia, chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc và các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn mới.

Tại nội dung “Một số hiểu biết về chiến lược ‘diễn biến hòa bình’, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam”, các em học sinh lớp 12 còn bị yêu cầu: “Nêu được một số nội dung cơ bản về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ đối với cách mạng Việt Nam. Biết cách phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch tại địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thông tin trên các trang mạng xã hội”.

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua vào ngày 12/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Hồi năm 2018, bà Lê Thị Thu Hằng – người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định việc “xây dựng Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết” vì an ninh mạng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trong những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, khu vực.

Hơn nữa, các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô, có tính chất xuyên biên giới, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế chính trị của các nước.

Tuy nhiên, trên Twitter, văn phòng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng về luật này.

“Chúng tôi thất vọng về việc thông qua Luật An ninh mạng mới của Việt Nam, trong đó hạn chế hơn nữa việc tự do biểu đạt trên không gian mạng và áp đặt những hạn chế gây phiền toái đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nước ngoài khác. Chúng tôi thúc giục Việt Nam đảm bảo rằng luật pháp của Việt Nam tạo ra một môi trường kỹ thuật số cởi mở và mang tính cạnh tranh, nhất quán với các nghĩa vụ thương mại quốc tế của Việt Nam” – tuyên bố của phía Hoa Kỳ khẳng định.

Cùng nhận xét về Luật này, tổ chức Ân xá Quốc tế đã gửi thông cáo dẫn lời bà Clear Algar – Giám đốc điều hành toàn cầu của Ân Xá Quốc Tế cho rằng “Quyết định này có khả năng mang lại hậu quả có tính hủy hoại đối với sự tự do biểu đạt tại Việt Nam”.

Văn Duy