Biến chủng B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại ở Kent (đông nam nước Anh) vào hồi tháng 9/2020. Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây.

tiem chung covid 19
(Ảnh minh họa: ncov.moh.gov.vn)

Hôm 25/4, Bộ Y tế Việt Nam cho biết Viện Pasteur TP.HCM đã giải trình tự gene các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam dương tính với virus Vũ Hán.

Kết quả cho thấy 85,7% mẫu mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mẫu mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).

Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.7, phát hiện lần đầu tại ở Kent (đông nam nước Anh) vào hồi tháng 9/2020. Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn, tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay đơn vị từng tiến hành xét nghiệm chuyên sâu và nghiên cứu lâm sàng về diễn tiến bệnh trên một số ca nhiễm biến chủng B1.1.7 ở tâm dịch Chí Linh, Hải Dương.

Kết quả cho thấy các diễn biến lâm sàng có vẻ nhanh hơn so với bệnh nhân nhiễm chủng cũ. Về phương thức lây lan, virus lây truyền qua không khí, bao gồm aerosol (khí dung) và qua giọt hạt nhân (các giọt bắn khi khô đi sẽ thành giọt hạt nhân bay trong không khí).

Còn biến thể mới tại Nam Phi B.1.35 được phát hiện lần đầu ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10. Đến nay, biến chủng này đã ghi nhận tại 30 quốc gia trên thế giới.

Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 20-200% so với chủng ban đầu, là chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay.

Biến chủng mới cũng làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin. Theo thử nghiệm mới nhất, hiệu quả bảo vệ vắc xin của Mỹ là Novavax với chủng mới ở Nam Phi chỉ còn 60%, trong khi hiệu quả với các chủng khác là 90%.

Việt Nam có nguy cơ xảy ra lây nhiễm cộng đồng rất lớn

Theo ông Nguyễn Thanh Long – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng dịch virus Vũ Hán, nhìn vào bức tranh về tình hình lây nhiễm hiện nay có thể thấy trên thế giới tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước.

Đối với Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm virus Vũ Hán từ bên ngoài là rất lớn; nguy cơ xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng từ những người nhập cảnh trái phép là rất cao.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu. “Chúng ta đang chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, tình huống dịch xuất hiện tại địa phương, nhất là với khu vực Tây Nam Bộ”, ông Long nói.

Ông Long cũng nhấn mạnh, một điểm rất lo lắng là nguy cơ các biến chủng kép tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không biết được. Do đó việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn.

Đến sáng 25/4, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 2.833 ca virus Vũ Hán, trong đó có 1.570 ca mắc do lây nhiễm trong nước.

Tính tới đêm 24/4, Bộ Y tế Campuchia cho biết đã có tổng cộng 9.359 trường hợp mắc virus Vũ Hán được ghi nhận, kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Sihanoukville ngày 23/1/2020. Nước này có 71 trường hợp chết do virus Vũ Hán và 3.662 người đang được điều trị, 3.210 người đã khỏi bệnh.

Tính tổng cộng, có 22 tỉnh, thành, khu vực của Campuchia đã ghi nhận người nhiễm virus Vũ Hán.

Minh Long

Biên giới Tây Nam Bộ: “Có lần 11 người nhập cảnh về, tới 10 người dương tính”