Bộ Y tế cho hay hiện Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào là rất lớn, do bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện.

benh dau mua khi
Việt Nam họp khẩn cấp bàn phương án ứng phó dịch đậu mùa khỉ. (Ảnh: Hiền Minh/VGP)

Chiều 24/7, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Văn phòng WHO tại Việt Nam, US CDC tại Việt Nam và các các cơ quan đã họp khẩn cấp để bàn phương án ứng phó dịch đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế cho hay hiện Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện WHO xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có nguy cơ thấp về bùng phát dịch.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác.

Theo WHO, tốc độ lây lan của dịch nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Cơ quan này cũng cho hay nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao.

Tại Việt Nam, nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào là rất lớn, do bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện.

Theo Bộ Y tế, thế giới đã ghi nhận gần 16.000 trường hợp mắc tại 74 quốc gia, tử vong 5 trường hợp. Tỷ lệ tử vong trên số mắc là 1/3.000, số này chưa thực sự thống kê hết.

Thời gian gần đây đã ghi nhận số ca tăng lên, đặc biệt là một số quốc gia châu Âu. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Úc, Đài Loan đã ghi nhận ca mắc.

TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết về hoạt động trọng tâm trong thời gian tới, Việt Nam sẽ kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng của Bộ Y tế tại Cục Y tế dự phòng và 4 viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur.

Theo TS Tâm, Việt Nam sẽ tăng cường giám sát người đến từ các nước có dịch đậu mùa khỉ, đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm bệnh…

Các chuyên gia cho hay Việt Nam chưa có vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ. GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết theo CDC Mỹ, có 2 loại vắc-xin được Mỹ cấp phép sử dụng và các vắc-xin này đều là vắc-xin virus sống; sẽ tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần cho người trên 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo, không tiêm vắc xin này đại trà, chỉ tiêm cho người nguy cơ cao do số lượng vắc-xin rất ít.

Cơ chế lây bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày.

Biểu hiện triệu chứng của bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh đậu mùa khỉ theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ nhỏ.

Kết quả một số nghiên cứu trước đây tại châu Phi cho thấy, vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vắc-xin phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vắc-xin phòng đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Hiện, bệnh đậu mùa khỉ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ, bệnh đậu mùa khỉ giống với bệnh đậu mùa, do đó có thể sử dụng thuốc kháng virus bệnh đậu mùa để điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Khuyến cáo từ Bộ Y tế

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh gồm:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết và sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Không nên ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật bị nhiễm bệnh.

Minh Long