Bloomberg mới đây đưa tin, Việt Nam có thể trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á cung cấp dịch vụ mạng 5G mà không sử dụng các thiết bị từ Huawei.

huawei
Ảnh minh họa từ Shutterstock

Tập đoàn Viettel, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Việt Nam thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng sẽ triển khai thiết bị Ericsson AB tại Hà Nội và công nghệ Nokia Oyj tại TP HCM để phát triển mạng 5G. Thông tin trên được ông Lê Đăng Dũng, Tổng Giám đốc Viettel nói với hãng tin Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của công ty ở Hà Nội.

“Viettel sẽ sử dụng chipset 5G từ Qualcomm và một công ty khác của Mỹ. Với mạng 4G, Viettel sử dụng các thiết bị của Ericsson và Nokia. Ngoài ra, Viettel cũng đang tự phát triển thiết bị cho mạng 5G”, ông Lê Đăng Dũng nói thêm.

“Chúng tôi sẽ không làm việc với Huawei trong thời điểm hiện tại. Có một số thông tin nghi ngại về việc không an toàn khi sử dụng thiết bị của Huawei. Vì vậy, trước những nguồn thông tin này, quan điểm của Viettel là chúng tôi sẽ hợp tác với những đối tác an toàn hơn. Vì vậy, chúng tôi chọn Nokia và Ericsson từ Châu Âu,” ông Dũng nói.

Các nhà mạng nhỏ hơn của Việt Nam dường như cũng đang tránh xa Huawei. MobiFone đang sử dụng thiết bị của Samsung Electronics trong khi Công ty Dịch vụ Viễn thông Việt Nam, hay Vinaphone, đã hợp tác với Nokia để triển khai mạng 5G, theo truyền thông địa phương.

“Tôi nghĩ rằng Huawei đang gặp khó khăn tại Việt Nam, vì các công ty khác cũng không sử dụng thiết bị của họ,” ông Dũng cho biết.

Huawei – công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã trấn an những lo ngại như vậy bằng cách chỉ ra rằng chính phủ và khách hàng ở 170 quốc gia đang sử dụng thiết bị của họ và điều này không gây ra mối đe dọa an ninh mạng nào so với công nghệ truyền thông từ bất kỳ nhà cung cấp nào khác. 

Tuy nhiên, ông Dũng vẫn khẳng định: “Trong tương lai nếu chúng tôi có thông tin thuận lợi liên quan đến Huawei, chúng tôi sẽ xem xét sử dụng lại thiết bị của họ.”

Dường như Việt Nam đang âm thầm đứng về phía chính quyền ông Trump, nơi đã liệt Huawei vào danh sách đen vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Quyết định “khước từ” Huawei của Việt Nam đang là một ngoại lệ ở Đông Nam Á, nơi các quốc gia khác như Philippines, Thái Lan và Malaysia vẫn mở cửa để triển khai công nghệ Huawei.

Ông Dũng cũng khẳng định việc không sử dụng Huawei cho mạng 5G của Viettel là vấn đề liên quan đến công nghệ chứ không phải do các yếu tố địa chính trị.

“Chúng tôi quyết định không sử dụng Huawei, không phải vì lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei – chúng tôi chỉ đưa ra quyết định của riêng mình,” ông nói. “Nhiều quốc gia khác, bao gồm Hoa Kỳ, đã tìm thấy bằng chứng cho thấy việc sử dụng Huawei không an toàn cho an ninh mạng quốc gia. Vì vậy, chúng tôi cần thận trọng hơn.”

Bloomberg cho biết, trong quá khứ Việt Nam đã tỏ ra hoài nghi về công nghệ từ nước láng giềng Trung Quốc.

Sau các cuộc tấn công mạng vào hai sân bay tại Hà Nội và TP HCM năm 2016 với cáo buộc do một nhóm tin tặc từ Trung Quốc, Việt Nam đã tuyên bố sẽ xem xét lại việc sử dụng công nghệ của quốc gia này.

Nhiều năm tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước đã làm xói mòn lòng tin vào Trung Quốc của người dân Việt Nam. Một khảo sát của Pew được công bố vào năm 2017 cho thấy chỉ có 10% người Việt có cái nhìn tích cực với Trung Quốc.

Gần đây nhất, sự hiện diện của tàu khảo sát của Trung Quốc với các tàu hộ tống của cảnh sát biển nước này tại khu vực bãi Tư Chính đã làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước. Trước đó, vào năm 2014, Trung Quốc đã kéo một giàn khoan thăm dò vào vùng biển tranh chấp ngoài khơi Việt Nam, dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rầm rộ của người dân Việt Nam.

“Việt Nam không thể tin Trung Quốc,” ông Lê Hồng Hiệp, một thành viên của Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore cho biết. “Việt Nam không thể đánh đổi rủi ro về cơ sở hạ tầng chỉ vì Huawei cung cấp thiết bị rẻ hơn các công ty khác.”

Nikhil Batra, nhà phân tích nghiên cứu viễn thông cao cấp tại IDC cho biết, không mua thiết bị của Huawei có thể khiến Viettel gặp bất lợi về giá và công nghệ, bởi Huawei hiện có những công nghệ về 5G tiến bộ hơn so với các đối thủ ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, sẽ phải đối mặt với rủi ro về an ninh.

Khi các mạng di động ngày càng có mối liên quan mật thiết với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, các Chính phủ cũng xem xét thận trọng hơn về những công nghệ sẽ được triển khai.

“Các Chính phủ trên thế giới coi ngành viễn thông giống như cơ sở hạ tầng của quốc gia. Mọi thứ đều phụ thuộc vào mạng,” ông Nikhil Batra nói.

Việt Nam còn có một lý do khác để tránh công nghệ Huawei, đó là mong muốn tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ, Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales ở Úc cho biết. Việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G của Huawei có thể khiến Mỹ e ngại khi chia sẻ các thông tin tình báo với Việt Nam, ông nói thêm.

“Hoa Kỳ đang gây áp lực cho mọi quốc gia về việc không được hợp tác với Huawei,” ông Thayer nhấn mạnh.

Bảo Minh (theo Bloomberg)

Xem thêm: