Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng việc tàu thăm dò Hải dương Địa chất 4 của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

pho phat ngon bo ngoai gia0 pham thu hang 2
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. (Ảnh: vov.vn)

Theo thông tin trên mới đăng trên website của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị khẳng định thông tin và cho biết phản ứng trước việc tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu: “Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông, kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp quản lý và thực thi pháp luật trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và pháp luật Việt Nam để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình”.

Theo SCSCI, số lượng tàu Trung Quốc trong khu vực EEZ của Việt Nam đã tăng đáng kể trong 2 tuần đầu của tháng ba năm nay, gần gấp ba lần số lượng quan sát được vào cuối tháng hai.

Hải Dương Địa Chất 4 rời cảng nhà ở Quảng Đông từ ngày 28 tháng 2, xuống quần đảo Trường Sa và ở đó tới ngày 6 tháng 3, sau đó bắt đầu hướng về vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Những ngày sau đó, đường đi của tàu còn loằng ngoằng chưa thực sự định hình rõ nét. Từ tối ngày 14 tháng 3 cho tới nay, mô hình di chuyển của tàu đã được định hình rõ nét với những đường thẳng song song với nhau, như những lần các tàu Hải Dương Địa Chất của Trung Quốc tiến hành chiến dịch hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Dữ liệu này thu thập được từ tín hiệu của hệ thống nhận diện tự động (AIS) truyền của những con tàu này.

Còn theo trang theo dõi tàu Marine Traffic (Giao thông Hàng hải), tàu Hải Dương Địa chất 4 đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 17 tiếng đồng hồ trong ngày 15/3 trước khi đi vào khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.

“Các tàu Trung Quốc cũng đã hoạt động sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi chỉ 60 hải lý (111km)” – bà Vân Phạm, người quản lý của SCSCI nói với Đài Á Châu Tự Do.

Các tàu đánh cá và tàu dân quân biển thường được Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống.

viet nam len tieng ve viec tau trung quoc di vao vung dac quyen kinh ted
Đường đi của tàu Hải dương Địa chất 4 của Trung Quốc dựa trên dữ liệu thu thập được từ tín hiệu của hệ thống nhận diện tự động của con tàu này. (Ảnh: marinetraffic.com)

Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với một số phần của tuyến đường thủy chiến lược nhưng cho đến nay, Trung Quốc là nước có yêu sách chủ quyền lớn nhất.

Trung Quốc và các nước láng giềng thỉnh thoảng có những bất đồng về hoạt động thăm dò dầu khí của Bắc Kinh trên biển.

Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc các tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và gọi các hoạt động này là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Vào năm 2019, một cuộc biểu tình đã diễn ra ngay trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vì tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã hoạt động nhiều tháng trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát.

Ngay sau đó, năm 2020, cũng chính con tàu này đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tháng với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia .

Cuộc đối đầu lớn nhất từ trước đến nay giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề thăm dò dầu khí ở Biển Đông diễn ra vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.

Vụ việc này có sự tham gia của hàng chục tàu chấp pháp của cả 2 nước và dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Cuối cùng, Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển của Việt Nam sau hơn 2 tháng.

Khánh Vy (t/h)