Hiện Việt Nam đang có trên 73.000 giảng viên đại học, trong đó số giảng viên trình độ tiến sĩ là 28,8%. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố trong 10 năm tới sẽ đẩy tỷ lệ này thêm 10%, tương đương 7.300 giảng viên phải đạt trình độ tiến sĩ trong các khóa đào tạo do bộ này chủ trì. 

trao bang tien si thac si
Các học viên sau đại học trong Lễ tốt nghiệp và trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, dược sĩ CKII, dược sĩ CKI, tại Trường Đại học Dược Hà Nội, tháng 7/2020. (Ảnh minh họa: hup.edu.vn)

Thông tin trên do bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết trong buổi tọa đàm hôm 22/4 về việc thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2019- 2030 (Đề án 89).

Đề án này đặt ra 10% giảng viên đại học phải có trình độ tiến sĩ, trong đó 7% được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% được đào tạo trong nước và phối hợp giữa trường trong nước và trường quốc tế.

Trên 80% giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ trở lên, theo các chương trình đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước (không nêu tỷ lệ cụ thể).

Ngoài ra, 100% cán bộ quản lý có kỹ năng quản trị đại học và 100% giảng viên có các kỹ năng phát triển chương trình đào tạo, ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy,… và thu hút 1.500 nhà khoa học, tiến sĩ về làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Bà Thủy cho hay để hoàn thành mục tiêu trên, trong 10 năm tới cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – bà Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng ủng hộ đề án, lưu ý đến việc tạo nguồn và các khoản kinh phí như dự hội thảo, hỗ trợ đăng bài quốc tế, tài liệu, dữ liệu, bồi hoàn,…, đặc biệt là quản lý việc bồi hoàn đối với học viên để tránh gây khó cho các trường.

Tổng kinh phí thực hiện đề án không được công bố. Theo quyết định phê duyệt đề án – Quyết định số 89/QĐ-TTg, kinh phí lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài chính của các cơ sở giáo dục đại học và các nguồn huy động khác.

Phương án cụ thể cũng chưa được xây dựng. Theo tin từ truyền thông trong nước, Bộ GD-ĐT vẫn đang tổng hợp ý kiến từ các cơ sở đại học, đề nghị các cơ sở tham gia trong năm nay để bộ này đưa ra phương án triển khai.

Sơn Nguyên

Xem thêm:

Ngẫm về chuyện dùng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài