Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 do Chính phủ nước này thành lập nhận được sự ủng hộ tích cực, thay vì trả lời trực tiếp về thông tin Chính phủ đã yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đóng góp vào quỹ. 

vac xin covid
Nhân viên Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Bắc Giang) trong đợt tiêm vắc-xin COVID-19 sáng 29/5. (Ảnh: CDC Bắc Giang)

Ngày 10/6, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao Việt Nam được đề nghị “khẳng định thông tin Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19”.

Không xác nhận trực tiếp có hay không có yêu cầu này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao – bà Lê Thị Thu Hằng hướng câu trả lời rằng tiêm vắc-xin là giải pháp “mang tính quyết định”, và quỹ này được hưởng ứng và đóng góp tự nguyện, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài.

“Việt Nam xác định mục tiêu sớm tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân, nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch COVID-19” – đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định.

Với nguồn tiền mua vắc-xin, bà Hằng nêu có khoảng 12.000 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 chuyển sang để mua vắc-xin ngừa COVID-19. Đây thực tế là nguồn ngân sách do nhà nước quản lý.

Phần kinh phí còn lại, Bộ Ngoại giao cho hay “Đảng và Nhà nước” xác định “sự đồng lòng, chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân, khả năng huy động nguồn lực xã hội là nhân tố quan trọng “, đồng thời khẳng định Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ thành lập hôm 26/5 “đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đóng góp tích cực, tự nguyện của các doanh nghiệp Việt Nam, đông đảo nhân dân và một số doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam”.

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều và sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.” Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra phát ngôn.

Báo Korea Times ngày 4/6 đăng một bản tin với tựa đề “Các công ty Hàn Quốc khó xử trước yêu cầu ‘quỹ vắc xin’ của Việt Nam”. Bài báo cho hay các công ty, tập đoàn và cả tổ chức công của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam được đề nghị tham gia vào quỹ vắc-xin.

“Các công ty Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và ngay cả trong thời điểm khó khăn này, họ đang đề nghị chúng tôi tham gia vào quỹ vắc-xin. Chúng tôi không thể quá hài lòng về điều đó”, một quan chức khác của công ty Hàn Quốc cho biết, trang báo dẫn lời. Còn các tổ chức công của Hàn Quốc nhận được những lời kêu gọi tham gia vào chương trình tiêm vắc-xin bằng cách hãy nhờ các tập đoàn Hàn Quốc tài trợ để chi trả cho những hoạt động này.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) ngày 8/6 đăng bản tin với tựa đề “Vietnam begs public for ‘vaccine fund’ donations after virus surge”, tạm dịch: “Việt Nam xin công chúng đóng góp cho ‘quỹ vắc-xin’ sau khi số ca nhiễm virus tăng mạnh”, trong đó cho hay người dùng điện thoại di động ở Việt Nam đã nhận được tới 3 tin nhắn kêu gọi họ đóng góp vào Quỹ vắc-xin COVID-19, trong khi các công chức được khuyến khích nộp một ngày lương.

Trong bản kế hoạch thành lập quỹ, Bộ Tài chính Việt Nam dẫn thông tin của Bộ Y tế, rằng dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người (trên tổng dân số 98 triệu) để đạt miễn dịch cộng đồng. Kinh phí ước tính khoảng 25.200 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD).

Trong đó ngân sách trung ương chi tối đa khoảng 16.000 tỷ đồng, phần còn lại Chính phủ huy động từ ngân sách địa phương, đóng góp của người dân, các doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân).

Tính từ ngày 8/3 đến ngày 10/6, Việt Nam đã tiêm hơn 1,4 triệu liều vắc-xin COVID-19 AstraZeneca. Trong đó, 50.023 người đã tiêm đủ liều 2 mũi.

Minh Sơn

Xem thêm:

Có nên lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19?