Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng đã đưa ra quan điểm chính thức của phía Việt Nam về việc Trung Quốc phủ nhận chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông đồng thời ra yêu sách đối với Việt Nam trước khu vực này.     

chuthap ndnb fgjw
Các công trình Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập thuộc Đảo Trường Sa. (Ảnh chụp màn hình/SCMP)

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 23/4, trả lời câu hỏi của báo giới về việc Trung Quốc gửi công hàm ngày 17/4 tới Liên Hợp Quốc đáp trả Việt Nam về tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, đại diện của Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực lãnh hải này.

Ông Thắng cho hay “việc Trung Quốc lưu hành một số Công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa không phù hợp luật pháp quốc tế cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)”.

Do đó, ngày 30/3, Việt Nam đã gửi Công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông. Công hàm này mới được công bố ngày 7/4.

Đến ngày 10/4, Việt Nam gửi tiếp công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác.

Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định “việc Việt Nam gửi Công hàm tại Liên hợp quốc là việc làm bình thường để thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”.

Đối với động thái mới đây của chính quyền Bắc Kinh đối với khu vực Biển Đông, ông Thắng tái khẳng định chủ quyền đối với khu vực này: “Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán ở vùng biển như xác lập ở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS năm 1982”.

Phía Việt Nam phủ định hành động trên của Trung Quốc, cho rằng “mọi hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều không có giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.

Trước đó, ngày 30/3, Việt Nam đã gửi Công hàm để khẳng định chủ quyền của mình trên Hoàng Sa và Trường Sa cũng như phản đối các lập luận vô lý và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngày 17/4, Trung Quốc gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc để đáp trả công hàm ngày 30/3 của Việt Nam. Trong công hàm, chính quyền Bắc Kinh nhắc lại rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa với Công thư năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng; cho rằng, sau năm 1975, Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc estoppel trong luật quốc tế vì đã có hành vi yêu sách trái phép đối với Hoàng Sa và Trường Sa. 

Đặc biệt, trong công hàm này, chính quyền Trung Quốc đưa ra yêu sách: Trung Quốc cương quyết yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và vật dụng trên các đảo và đá ở Trường Sa”.

Ngày 18/4, Bắc Kinh thông báo thành lập quận Tây Sa, trụ sở tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; và quận Nam Sa đặt trụ sở tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Hai quận này đều thuộc phạm vi hành chính của thành phố Tam Sa ở tỉnh Hải Nam.

Ngày 19/4, Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông. Danh sách 80 thực thể được đăng trên website của Bộ Dân chính Trung Quốc, gồm 25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, được xác định theo tọa độ, Thời báo Hoàn cầu đưa tin.

Trong số 25 đảo, bãi đá ngầm nói trên, có một thực thể nằm ở phía bắc đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Trong 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, phần lớn những thực thể này nằm trong và xung quanh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Vào ngày 6/4, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt lợi dụng thế yếu của các nước Đông Nam Á để gia tăng những đòi hỏi phi pháp tại Biển Đông.

Phát ngôn viên Morgan Ortagus nói: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngưng lợi dụng sự xao nhãng của các nước khác để xác lập các yêu sách biển bất hợp pháp của mình ở Biển Đông”.

Nguyễn Quân