Năm nhà đầu tư nước ngoài trong ba dự án nhà máy nhiệt điện than có tổng mức đầu tư 7,5 tỷ USD đang chờ được cấp giấy phép vào tháng 6 và cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trên Reuters.

du an nha may nhiet dien than, dự án nhiệt điện than
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Mặc dù đang muốn phát triển năng lượng sạch trong bối cảnh cân đối giữa sự khan hiếm các nguồn tài nguyên và các vấn đề về môi trường, Việt Nam dường như vẫn phụ thuộc nhiều các nhà máy nhiệt điện và thủy điện để đáp ứng nhu cầu về điện với tốc độ tăng trưởng 11%, Reuters cho hay.

Hai dự án do Nhật Bản, Hàn Quốc và Arab Saudi đầu tư đang chờ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cấp giấy phép trước khi Thủ tướng có chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 6 tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trên Reuters.

Theo ông Dũng, Công ty Taekwang Power Holding của Hàn Quốc và Công ty ACWA Power của  Arab Saudi sẽ đầu tư 2,07 tỷ USD vào dự án nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW. Trong đó, mỗi nhà đầu tư sẽ giữ 50% cổ phần của nhà máy. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động thương mại vào năm 2021.

Dự án nhà máy nhiệt điện thứ 2 đang chờ được cấp phép vào tháng 6 tới do Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Korea Electric Power – Kepco) đầu tư khoảng 2,79 tỷ USD. Mỗi nhà đầu tư cũng nắm 50% tổng mức đầu tư. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2021.

Bộ trưởng Dũng cũng cho hay, dự án nhiệt điện than thứ 3 do Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đầu tư với khoảng 2,64 tỷ USD. Dự án cũng đang chờ được cấp giấy phép vào cuối năm nay và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2022.

Theo kết quả công bố từ Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm.

Theo Quy hoạch điện năng VII điều chỉnh, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng Việt Nam, trong đó:

Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có 31 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất khoảng 26.000 MW (có tỷ trọng 49,3% trong tổng sản lượng điện sản xuất);

Năm 2025, có 47 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng, tổng công suất thiết kế hơn 45.000 MW (chiếm 55% tổng sản lượng điện sản xuất);

Năm 2030, có tổng cộng 52 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất thiết kế hơn 55.000 MW, chiếm tỷ trọng 53,2%.

Trần Tâm (T/h)