Việt Nam đặt tham vọng giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ khoảng 33,06 triệu tấn CO2 quy đổi, trong đó FCPF/Ngân hàng Thế giới đã cam kết chi trả cho các nỗ lực giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương 60 triệu USD trong thời gian 6 năm thực hiện chương trình (2018-2024).

viet nam tham vong giam phat thai khi va tang hap thu 33 trieu tan co2 tai 6 tinh mien trung
Rừng Bắc Hải Vân (địa phận Thừa Thiên – Huế). (Ảnh: Khánh Minh)

Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ là Chương trình REDD+ cấp vùng thực hiện đầu tiên ở Việt Nam.

6 tỉnh Bắc Trung Bộ thực hiện chương trình, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, trên gần như toàn bộ diện tích rừng lá rộng thường xanh còn lại hiện nay của Việt Nam và một số khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu. Vùng Bắc Trung Bộ có độ che phủ rừng là 57% (2,9 triệu ha), trong đó 74% là rừng tự nhiên (2,1 triệu ha). Khu vực này có tổng 10,3 triệu người (chiếm 12% tổng dân số), 5,1 triệu ha đất tự nhiên (chiếm 16% tổng diện tích đất đai).

Việt Nam đặt tham vọng giảm phát thải khí và tăng cường hấp thụ khoảng 33,06 triệu tấn CO2 quy đổi. Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp/Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết chi trả cho nỗ lực giảm phát thải sau khi thẩm định kết quả thực hiện là 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 60 triệu USD trong thời gian 6 năm thực hiện chương trình (từ năm 2018 – 2024).

Chương trình được chi trả sau khi kết quả được thẩm định nên nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ cần được bố trí từ các nguồn hiện có như: Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (2016-2020); Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình nông thôn mới; Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường khả năng chống chịu ven biển triển khai ở sáu tỉnh Bắc Trung Bộ, Hải Phòng và Quảng Ninh (WB: 150 triệu USD); Dự án Quỹ khí hậu xanh (UNDP: 11,5 triệu USD)…

Dự thảo văn kiện được đưa ra trước khi chính thức gửi Quỹ Đối tác Các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) vào cuối tháng 11/2017. Được biết, đây là kết quả của quá trình tham vấn các bên liên quan từ cấp trung ương đến địa phương, các ngành các cấp và đặc biệt cộng đồng dân cư của 6 tỉnh tham gia chương trình.

Dự thảo đưa ra các vấn đề như phụ thuộc vào rừng, đói nghèo và vấn đề sinh kế của các hộ gia đình dân tộc thiểu số chính; các hoạt động góp phần giải quyết nguyên nhân gây mất rừng, suy thoái rừng và tăng trữ lượng hấp thụ các bon được đưa ra cụ thể, rõ ràng như: làm gì, ở đâu (có địa danh và thể hiện trên bản đồ), ai chịu trách nhiệm thực hiện, chi phí bao nhiêu và từ nguồn nào…

TS Vũ Tấn Phương, chuyên gia tư vấn của Chương trình cho biết văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ có 4 hợp phần, trong đó có 10 tiểu hợp phần và 28 hoạt động chính, gồm: Tăng cường điều kiện cần thiết cho giảm phát thải (tăng cường chính sách kiểm soát chuyển đổi rừng tự nhiên; tăng cường thực thi pháp luật và quản trị rừng); Thúc đẩy quản lý rừng bền vững và tăng chất lượng rừng (bảo vệ rừng tự nhiên hiện có; nâng cao chất lượng rừng trồng; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên); Thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng (cải thiện sản xuất nông nghiệp; đa dạng và cải thiện sinh kế người dân); Quản lý và điều phối Chương trình (quản lý và điều phối chương trình; theo dõi, giám sát và đánh giá; truyền thông).

Nguyễn Quân

Xem thêm: