Trong 26 người trở về Việt Nam, có 1 thanh niên từng bị bắt lại trong vụ 42 người tháo chạy khỏi Casino Rich World ở Campuchia.

26 cong dan tu campuchia ve nuoc
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra sức khỏe cho các công dân vừa được phía Campuchia giải cứu và bàn giao. (Ảnh: Quốc Bình/sggp.org.vn)

Ngày 1/9, tại Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tiếp nhận 26 công dân Việt Nam do phía Campuchia trao trả.

26 công dân Việt Nam do phía Campuchia trao trả gồm 3 nữ, 23 nam. Những người này có hộ khẩu thường trú ở chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Trong số 26 người được tiếp nhận, 11 trường hợp được giải cứu từ Casino Rich World – nơi từng có 42 người tháo chạy bằng cách bơi qua sông Bình Di (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để về Việt Nam hôm 18/8. Trong 11 người này, 1 trường hợp từng bị bảo vệ casino bắt lại trong nhóm 42 người tháo chạy.

Qua xác minh điều tra, số công dân trên đã vượt biên trái phép sang Campuchia làm thuê và đã bị Tổng cục Di trú, Bộ Nội vụ Campuchia giam giữ.

Sau khi tiếp nhận, đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thực hiện khai báo y tế và các thủ tục pháp lý, hành chính ban đầu.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên đã bàn giao 26 công dân nói trên cho Phòng Cảnh sát xuất nhập cảnh Công an tỉnh An Giang tiếp tục xác minh làm rõ theo quy định.

Trước đó, khoảng 9h ngày 18/8, có 42 người tháo chạy khỏi casino Rich World (Campuchia) bơi qua sông Bình Di về Việt Nam, được Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang) phát hiện, bắt giữ.

40/42 người tháo chạy thành công, một người tử vong, một người bị bảo vệ casino giữ lại.

Qua điều tra bước đầu, những người này khai nhận do tin vào lời chào mời tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700 – 1.000 USD/tháng nên họ vượt biên trái phép sang Campuchia.

Tại Campuchia, công việc hàng ngày của họ là làm game online và lên các trang mạng tìm cách lừa đảo theo chỉ đạo. Do làm việc quá thời gian quy định, không được trả lương, bị hành hung… nên những người này đã tìm cách chạy về Việt Nam.

Đến nay, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và Campuchia đưa về nước hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng đang xác minh nhân thân một số người được phía Campuchia giải cứu, không có giấy tờ và sẽ sớm đưa về nước.

Minh Long