Vào ngày thứ 9 TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, ngày 17/7, quyết định giãn cách thêm 16 tỉnh phía Nam được Chính phủ Việt Nam công bố; thời điểm do mỗi tỉnh quyết định nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7. Phương án “đóng cửa” toàn bộ 19 tỉnh Nam bộ dường như để tranh thủ thời gian kiểm soát dịch tại TP.HCM và toàn bộ khu vực phía Nam trước khi hệ thống y tế trở nên quá tải, thêm nhiều ca tử vong… 

xe cuu thuong cho f0 1 1
Một xe cứu thương của nhóm thiện nguyện nhận vận chuyển F0, F1 tại TP.HCM. (Ảnh: HCDC)

Nâng mức kiểm soát trước khi hệ thống y tế quá tải theo hiệu ứng dây chuyền?

Tại cuộc họp với phía Chính phủ sáng 18/7, Bộ Y tế Việt Nam cho biết đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 48.150 ca (tổng 51.002 ca từ đầu mùa dịch), trong đó, 47.394 ca trong nước (chiếm 98%), 7.912 người bình phục (18%), 190 ca tử vong (0,39%). Trong tuần (ngày 12-18/7), số ca nhiễm tăng thêm 19.937 ca, tăng 11.192 ca so với tuần trước.

“Tình hình dịch ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận, nhất là ở Bình Dương vẫn diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải. Nguy cơ hiện hữu là dịch từ TP.HCM sẽ lây lan rộng ra các tỉnh khác” – báo Chính phủ dẫn tin từ cuộc họp.

Bộ Y tế xác định nhiều người đã đi/đến TP.HCM trong thời gian trước đó có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện. Thực tế, tại khu vực miền Trung, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Đà Nẵng tiếp tục phát sinh những ổ dịch mới.

Đây là lần thứ hai việc “đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải” được nhắc đến sau khi quyết định giãn cách thêm 16 tỉnh trong 14 ngày được Chính phủ công bố vào chiều 17/7. Với 3 tỉnh đã áp dụng Chỉ thị 16, gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, đồng nghĩa trước mắt toàn bộ 19 tỉnh phía Nam tạm “đóng cửa”.

“Chúng ta áp dụng giãn cách xã hội cho cả khu vực này, trước hết nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng ra cả khu vực và từ đó ra cả nước” – Phó Thủ tướng – ông Vũ Đức Đam đưa ra lý giải vào cuộc họp chiều 17/7.

3 vấn đề được ông Đam nhắc đến sau quyết định trên gồm “bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân”; “phải đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải, bởi hệ thống y tế không chỉ để chữa người mắc COVID-19 mà còn điều trị cho các bệnh nhân khác”; “chưa có đủ vắc-xin phòng COVID-19 nên phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể” (tức kiềm chế tốc độ của dịch để chờ vắc-xin).

Ông Đam khuyến nghị không chỉ trong khu vực giãn cách mà người dân trong cả nước cần cùng phòng ngừa dịch, trước hết thực hiện theo nguyên tắc 5K, giảm tối đa tiếp xúc, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết.

“Nếu không kiểm soát tốt, dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước” – ông Đam nói.

Khối dự phòng tăng xét nghiệm tìm F0; khối điều trị chuẩn bị cho kịch bản xấu và xấu hơn

Vào cuộc họp sáng 18/7, giãn cách xã hội và xét nghiệm được nhấn mạnh khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần phân loại nhóm dịch còn ít và nhóm lây nhiễm cao trong 19 tỉnh thành phía Nam. Nhóm tỉnh tương đối an toàn (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) tiếp tục kiểm soát, phòng ngừa, trong khi nhóm lây nhiễm cao, đậm đặc (TP.HCM, Bình Dương…) thì tiếp tục phân loại 3 vùng (đỏ, vàng, xanh).

Hướng xử lý là nhanh chóng đưa F0 ra khỏi cộng đồng tại các “vùng đỏ”, thu hẹp ổ dịch; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để chuyển thành “vùng xanh”; còn “vùng xanh” thì tầm soát, sàng lọc để giữ an toàn.

Tại các vùng dịch, ổ dịch, Bộ Y tế cho hay độ nhạy của xét nghiệm nhanh hiện đã tương đương với xét nghiệm RT-PCR trong mẫu gộp nên cho phép xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 mẫu đơn hoặc 5 mẫu đơn.

Ở những nơi chưa bị dịch nhiều, các địa phương được yêu cầu tăng tần suất xét nghiệm nhanh sàng lọc tại bệnh viện; trong cộng đồng thì tầm soát bằng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp tại những điểm có nguy cơ cao như các chợ, bến xe, quán nước…

Đầu tuần tới, có khoảng 7 triệu test nhanh sẽ về Việt Nam qua các nguồn viện trợ” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay. “Bộ Y tế phải chuẩn bị kịch bản dài hơi với mua sắm sinh phẩm chẩn đoán do nhu cầu rất lớn, với đặc tính sinh học lây lan nhanh của biến chủng virus đợt này“.

Bộ Y tế cho biết các địa phương đang gặp khó khăn trong cơ chế mua sắm, thủ tục quy trình qua nhiều bước, khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp hạn chế… Bộ Y tế đưa ra kịch bản sẽ đàm phán mua trực tiếp với các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc… về xét nghiệm nhanh; tăng cường sản xuất trong nước về xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Về thiết bị xét nghiệm, ông Long cho hay số lượng máy móc đang tạm đủ trong tình hình dịch hiện tại. Bộ này sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn PCR /ngày để hỗ trợ xét nghiệm, sàng lọc cả vùng nguy cơ cao và những khu vực an toàn. Hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HNFC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc máu chậm… đang được tính toán để điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Trước mắt, Việt Nam đang tăng cường máy thở và oxy. Theo tin từ Vnexpress, chiều 17/7, Bộ Y tế công bố đã chuyển 2.000 máy thở vào TP.HCM.

Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành sáng 16/7, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) tại phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm. Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu, hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực tại các khu vực và sẽ trực tiếp chỉ đạo các khu vực này.

Hiện Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2) đã được thiết lập, có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của bệnh viện Trung ương hạng Đặc biệt. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được chỉ định sang làm Giám đốc Bệnh viện này.

Đợt dịch này không như các lần trước, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đang chuẩn bị cho ‘kịch bản xấu và xấu hơn’”, ông Long nhấn mạnh, theo bản tin của Gia Đình Net  do trang web của Bộ Y tế dẫn lại.

Bộ trưởng Bộ Y tế cam kết không để đội ngũ y, bác sĩ thiếu các đồ bảo hộ. Ngoài nguồn ngân sách, Bộ này cho biết đang huy động, kêu gọi sự đóng góp, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…

Nguyễn Quân

Xem thêm:

TP.HCM đã tiếp nhận vắc-xin Sinopharm, tiêm trước cho công dân Trung Quốc