Truyền thông trong nước sáng 8/8 đưa tin tức cập nhật về vụ việc 17 cá thể hổ bị công an tỉnh Nghệ An phát hiện nuôi nhốt trái phép tại nhà hai hộ dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Trước đó, 8 cá thể đã bị chết sau khi được “giải cứu”, 9 cá thể còn lại được cho biết hiện có sức khỏe yếu, không chịu ăn.

ho bi tiem thuoc me
Những con hổ được bắn thuốc mê để đưa về khu sinh thái. (Ảnh: congan.nghean.gov.vn)

Về cái chết của 8 cá thể hổ, công an tỉnh Nghệ An nhận định ban đầu là do ngấm thuốc mê quá lâu, hoặc do hổ bị kiệt sức do quá trình vận chuyển dài. 

Hiện 8 cá thể hổ này đang được cấp đông để điều tra thêm.

9 cá thể còn lại đang được nuôi tại Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Giám đốc khu sinh thái cho hay 9 con hổ đang trong tình trạng rất yếu, bỏ ăn, có thể là do bị nuôi nhốt dưới hầm quá lâu nên khi ra môi trường bình thường cùng với quá trình vận chuyển dưới nắng nóng khiến hổ yếu đi.

Đơn vị này cho biết hiện đang cử đội ngũ thú y chăm sóc và thăm khám cho 9 cá thể này. 

Trước đó, như Trí thức Việt Nam đưa tin, hôm 4/8, giới chức Nghệ An đã phát hiện, thu giữ 17 con hổ do người dân nuôi trái phép trong nhà ở huyện Yên Thành. Các con hổ đều đã trưởng thành, có trọng lượng từ 200 đến 250kg, được nuôi trong các cũi chật hẹp, thiếu ánh sáng. 

Chủ nuôi của các cá thể hổ, ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) và bà Hồ Thị Thanh (31 tuổi) cho biết đã mua số hổ này từ Lào khi còn nhỏ để nuôi lớn và nấu lấy cao.

Tại thời điểm thu giữ, các cá thể hổ được cho là vẫn khỏe mạnh. Việc các cá thể hổ bị chết được cho là “ngoài ý muốn”. 

Việc 8 con hổ chết sau khi được “giải cứu” đã khiến mạng xã hội Việt Nam rất quan tâm. Nhiều bình luận cho rằng nếu việc gây mê được thực hiện bởi chuyên gia thì rất khó có thể khiến hổ bị chết.

Sau vụ bắt giữ, sáng ngày 6/8, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã khen thưởng các tập thể, cá nhân thuộc Phòng Cảnh sát môi trường Nghệ An với số tiền 80 triệu đồng vì “lập thành tích phá án.”

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW, nhận định việc thả các cá thể hổ còn lại về môi trường tự nhiên là không khả thi vì đã mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên. Thay vào đó, ông nói có thể đưa chúng vào các khu chăm sóc bảo tồn.

Liên quan đến việc xử lý 8 cá thể đã chết, ông Lê Đại Thắng – Phó phòng quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, nói với báo chí rằng phải chờ kết quả của cơ quan điều tra về nguồn gốc nuôi nhốt mới đưa ra được biện pháp xử lý theo Thông tư 29 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo Điều 15 của Thông tư 29, động vật rừng mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các hình thức quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 (bao gồm cá thể động vật rừng còn sống, khỏe mạnh; các cá thể bị thương, ốm yếu cần cứu hộ…) thì sẽ phải tiêu hủy.

Tuấn Minh

Xem thêm: