Hai ông Lê Đình Công (SN 1964) và ông Lê Đình Chức (SN 1980), là con ông Lê Đình Kình, bị chịu mức án tử hình từ tòa sơ thẩm Hà Nội; Lê Đình Doanh (SN 1988), cháu nội ông Kình, bị tuyên mức án chung thân.

dong tam 0
Các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm tại phiên xét xử chiều 7/9. (Ảnh chụp màn hình/VTC Now)

Truyền thông nhà nước chiều hôm 14/9 đồng loạt đưa tin, tòa sơ thẩm Hà Nội đã đưa ra mức án đối với 29 người trong vụ án Đồng Tâm.

6 người bị khép tội “Giết người”: TAND TP Hà Nội tuyên tử hình ông Lê Đình Công (SN 1964) và ông Lê Đình Chức (SN 1980), là con ông Lê Đình Kình;

  • Anh Lê Đình Doanh (SN 1988, cháu nội ông Kình): tù chung thân;
  • Ông Bùi Viết Hiểu (SN 1943): 16 năm tù;
  • Ông Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980): 13 năm tù;
  • Ông Nguyễn Văn Tuyển (SN 1974): 12 năm tù.

23 người bị khép tội “Chống người thi hành công vụ”: Những người này đều chịu mức án từ 15 tháng tù (hưởng án treo) đến 6 năm tù giam. Cụ thể:

  • Nguyễn Văn Quân (SN 1980): 5 năm tù;
  • Lê Đình Uy (SN 1993): 5 năm tù;
  • Lê Đình Quang (SN 1984): 5 năm tù;
  • Bùi Thị Nối (SN 1958): 6 năm tù;
  • Bùi Thị Đục (SN 1957): 3 năm tù, hưởng án treo;
  • Nguyễn Thị Bét (SN 1961): 3 năm tù, hưởng án treo;
  • Nguyễn Thị Lụa (SN 1956): 3 năm tù, hưởng án treo;
  • Trần Thị La (SN 1978): 3 năm tù, hưởng án treo;
  • Bùi Văn Tiến (1979): 5 năm tù;
  • Nguyễn Văn Duệ (SN 1962): 3 năm tù.
  • Lê Đình Quân (SN 1976): 5 năm tù;
  • Bùi Văn Niên (SN 1980): 3 năm tù, hưởng án treo;
  • Bùi Văn Tuấn (SN 1991): 3 năm tù;
  • Trịnh Văn Hải (SN 1988): 3 năm tù;
  • Nguyễn Xuân Điều (SN 1952): 3 năm tù, hưởng án treo;
  • Mai Thị Phần (SN 1963): 30 tháng tù;
  • Đào Thị Kim (SN 1983): 24 tháng tù, hưởng án treo;
  • Lê Thị Loan (SN 1966): 30 tháng tù, hưởng án treo;
  • Nguyễn Văn Trung (SN 1988): 18 tháng tù, hưởng án treo
  • Lê Đình Hiển (SN 1989), Bùi Viết Tiến (SN 2000), Nguyễn Thị Dung (SN 1963) và Trần Thị Phượng (SN 1984) cùng nhận 15 tháng tù, hưởng án treo.

Phiên tòa Đồng Tâm được mở hôm 7/9, dự kiến ngày 17/9 kết thúc. Tuy nhiên, HĐXX đột ngột tuyên bố kết thúc vào trưa ngày 11/9, chuyển sang nghị án, 3 ngày sau tuyên án.

Trong quá trình diễn ra phiên tòa, đáng chú ý, vào hôm 10/9, luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền lợi cho 3 công an tử vong trong vụ Đồng Tâm, đã phản đối đề nghị của một số luật sư bào chữa cho các bị cáo rằng, cần thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường vụ án.

Theo ông Bách, việc thực nghiệm lại hiện trường “sẽ gợi lại nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân”.

Ông Bách cũng khẳng định 3 cảnh sát này đã thực thi công vụ theo kế hoạch 419A được giao.

Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo: Cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để điều tra lại từ đầu

Một ngày trước khi tòa tuyên án, luật sư Trương Chí Công – một trong nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo, nêu ra 3 vấn đề tòa cần làm rõ trước khi tuyên án.

Thứ nhất, xác định việc lực lượng công an tấn công vào nhà ông Lê Đình Kình có đúng pháp luật hay không. Vì tại hồ sơ vụ án và phiên tòa đã khẳng định lực lượng công an khi tấn công vào nhà ông Kình không có quyết định bắt giữ, lệnh khám xét hoặc văn bản hợp pháp; vị trí lực lượng này tấn công là tại nhà ông Kình chứ không phải ở đất Đồng Sênh.

Ông Công cũng nhấn mạnh việc VKS và chủ tọa không công khai bản Kế hoạch (điều động lực lượng công an tới Đồng Tâm), vì cho rằng đây là văn bản “Mật”, trong khi toàn bộ hồ sơ vụ án không thể hiện điều này.

Thứ hai, cần làm rõ lý do bắn chết ông Lê Đình Kình. Theo ông Công, hồ sơ thể hiện “ông Kình cầm lựu đạn”, nhưng số lựu đạn tại hiện trường (ngoài phòng ông Kình) do các bị cáo khai nhận đã đủ 10 quả, khớp với số lựu đạn trong hồ sơ vụ án ghi nhận.

Tại tòa, ông Hiểu, người ở cạnh ông Kình và bị bắn cùng với ông Kình, khai nhiều chi tiết trái với hồ sơ vụ án, gồm ông Kình chỉ cầm một chiếc đinh cá (không có khả năng chống trả), ông Kình bị bắn từ phía trước (trái với hồ sơ ghi nhận bị bắn từ phía sau), cả hai cùng bị lực lượng công an nổ súng bắn ngay khi vào phòng, bắn vào ngực và chân, bằng loại súng có tính sát thương rất cao.

Ông Hiểu cũng xác nhận ông Kình và ông Hiểu là những người nắm rõ lịch sử đất đai tại Đồng Sênh (ông Kình là cựu bí thư đảng ủy xã, ông Hiểu là cựu chủ nhiệm hợp tác xã) và là những lãnh đạo người dân Đồng Tâm trong việc tranh chấp đất đai tại Đồng Sênh. “HĐXX cần xem xét phải chăng đó có phải nguyên nhân dẫn đến hai ông là mục tiêu nổ súng. Nếu sự việc nêu trên là đúng sự thật, thì HĐXX cần làm rõ và xem xét về các kiến nghị của luật sư về việc khởi tố vụ án giết người với nạn nhân là ông Lê Đình Kình”, luật sư Công viết.

Thứ ba, làm rõ lý do tại sao không tiến hành thực nghiệm điều tra. Luật sư Công chỉ ra có nhiều vấn đề mâu thuẫn, vô lý trong hồ sơ vụ án dẫn tới cần thiết phải thực nghiệm điều tra để làm rõ giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, vô lý này, như theo cáo trạng, bị cáo Chức dùng chân đẩy chậu xăng đang cháy từ mái nhà của Chức sang mái nhà Hợi trên một cái thang – điều này là bất khả thi; theo hồ sơ vụ án, thi thể của ba công an đã bị than hóa hầu hết cơ thể. Chức khai dùng nắp can, đổ xăng từ can ra nắp rồi hắt xuống hố từ 3-4 lần có đủ để gây than hóa toàn bộ cơ thể và chết người hay không? Không gian giếng trời rất kín và hẹp, liệu có đủ oxy để gây cháy than hóa toàn bộ cơ thể các cán bộ công an hay không? Cần lưu ý thêm, trong hồ sơ vụ án có lời khai của hai công an xác nhận các cán bộ công an nhảy qua hố bị trượt chân rơi xuống mâu thuẫn với cáo trạng rằng các công an bị chọc dao nên rơi xuống.

Theo ông Công , lý do “không tiếp tục kéo dài nỗi đau cho gia đình người bị hại” là lý do không phù hợp để từ chối thực nghiệm điều tra theo quy định tại Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự và việc thực nghiệm điều tra là cần thiết vì liên quan tới 2 người phải nhận mức án tử hình.

Tuy nhiên, với bản án đã được tuyên vào chiều 14/9, cho thấy HĐXX vẫn xác định mức án theo hành vi của các bị cáo (vẫn còn nhiều mâu thuẫn giữa hồ sơ – hiện trường – lời khai), không xét đến hoàn cảnh đẩy nhóm người dẫn đến hoàn cảnh chống đối (tranh chấp đất đai, cuộc tập kích/vây ráp trong đêm) cũng như những yếu tố về lệnh điều động, phương án bố ráp bắt giữ liệu có hợp pháp, hợp lý…

Phạm Toàn – Nguyễn Quân