Trong số 431 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng, giấy chứng nhận giả, Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp, 221 trường hợp đã biết họ tên, tuổi người được cấp nhưng lại không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

trường Đại học Đông Đô, Bộ Công an Việt Nam
Trường Đại học Đông Đô. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Dương Văn Hòa (38 tuổi, cựu hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô), bị can Trần Khắc Hùng (SN 1972, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện đào tạo liên tục, Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển công nghiệp 4.0, Trường Đại học Đông Đô) cùng 8 người khác về tội “giả mạo trong công tác”.

221 người không xác định được nơi công tác; có cả cán bộ Thanh tra dùng bằng giả

Theo cáo trạng, bị can Trần Khắc Hùng thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để dùng làm nghiên cứu sinh, học thạc sỹ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch… nên đã chỉ đạo làm, cấp văn bằng 2 giả. Hiện bị can Trần Khắc Hùng đã bỏ trốn, đến nay truy nã chưa có kết quả nên tạm đình chỉ điều tra bị can.

VKS cáo buộc từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, bị can Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng. Riêng bị can Dương Văn Hòa ký 429 bằng giả.

Cơ quan điều tra đã làm rõ được 210 trường hợp để kiến nghị xử lý theo quy định; 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Trong số 210 trường hợp được cấp bằng, giấy chứng nhận giả, có 67 người đã dùng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 cá nhân khác thi công chức hoặc thi thăng hạng.

Đáng chú ý, theo cáo trạng, đã có 1 trường hợp sử dụng văn bằng giả do Trường Đại học Đông Đô cấp để thi nâng ngạch thanh tra viên. Người này hiện đã xin rút kết quả thi và được chấp nhận.

Hồi năm 2020, Báo Bảo Vệ Pháp Luật dẫn lời ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Cần phải công khai danh tính những người mua văn bằng 2 tiếng Anh giả của Đại học Đông Đô để làm tiến sĩ, thăng tiến trong các cơ quan, tổ chức, dù họ là ai, đang giữ chức vụ gì”.

Từ bê bối, gian lận bằng cấp tại Đại học Đông Đô, ông Lê Như Tiến cho rằng không chỉ bằng cấp trong nước mà vấn đề bằng cấp nước ngoài cũng khó kiểm soát. Thực tế hiện nay có tình trạng ghi tên, nộp số tiền lớn mà không cần học hành gì sau một thời gian là có bằng thạc sĩ, tiến sĩ gắn mác nước ngoài.

Ông Lê Như Tiến chia sẻ qua tìm hiểu có không ít trường nước ngoài không có chức năng đào tạo, cấp bằng tiến sĩ nhưng vẫn cấp bằng tiến sĩ cho không ít người Việt Nam, trong đó có cả cán bộ, công chức có nhu cầu.

Người có nhu cầu cấp bằng tiến sĩ chỉ cần ghi danh, đóng tiền và chỉ sau một thời gian là được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà không phải học, không phải thi.

“Cái gốc của vấn đề chính là công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm nhân sự của chúng ta vẫn còn dựa vào vào bộ hồ sơ đẹp. Như thế người ta còn gian dối để mua, chạy bằng cấp”.

Theo ông Tiến, “cần thay đổi về tư duy, cách tiếp cận trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm công tác cán bộ”.

“Chừng nào chúng ta còn quá coi trọng bằng cấp thì sẽ khó tránh khỏi những vấn đề tiêu cực về bằng cấp từ cử nhân, thạc sĩ, đến tiến sĩ, thậm chí học hàm Giáo sư cũng có thể gian dối được”, ông Tiến nói.

Kiến nghị xử lý các cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT

Cơ quan điều tra xác định Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ hai nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 hệ chính quy cho Trường Đại học Đông Đô; Vụ Giáo dục Đại học xét duyệt đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Bộ GD&ĐT đề án tuyển sinh năm 2017, 2018, 2019 có chỉ tiêu văn bằng 2 hệ chính quy.

Năm 2018, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Bộ GD&ĐT đã kiểm tra nhưng không phát hiện việc Trường Đại học Đông Đô chưa được phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.

Cơ quan điều tra kết luận việc làm của các đơn vị, cá nhân nêu trên đã vi phạm Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai và thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra.

“Bộ GD-ĐT cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý việc thực hiện quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, chưa chỉ đạo kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với ĐH Đông Đô theo đúng quy định”, kết luận nêu.

Do đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có công văn kiến nghị bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, xử lý đối với các cá nhân có trách nhiệm.

Phạm Toàn

Xem thêm:

Trường ĐH Đông Đô: Chủ tịch HĐQT bỏ trốn có tài khoản hơn 76.000 USD