Học sinh Trường iSchool Nha Trang sẽ trở lại lớp vào ngày 28/11, sau một tuần nghỉ học để điều trị do bị ngộ độc sau bữa ăn bán trú.

truong ischool nha trang 2
Hàng trăm học sinh Trường iSchool Nha Trang ngộ độc do vi khuẩn Salmonella. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Ngày 26/11, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết đã đồng ý cho Trường iSchool Nha Trang tổ chức giảng dạy trở lại sau thời gian tạm ngưng vì vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, học sinh Trường Ischool Nha Trang (Khánh Hòa) sẽ trở lại lớp vào ngày 28/11.

Trong hai tuần đầu, trường tổ chức dạy một buổi, không tổ chức bán trú. Trường cũng đã mời trung tâm y tế dự phòng phun thuốc khử khuẩn, dọn dẹp, vệ sinh phòng học đón các học sinh trở lại.

Đồng thời, nhà trường mời bác sĩ chuyên khoa đến trường để theo dõi sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng cho học sinh và phụ huynh có yêu cầu.

Sau vụ ngộ độc tuần trước, nhiều phụ huynh đã bày tỏ bức xúc và có ý kiến gửi tới trường. Trong số nhiều ý kiến, phụ huynh yêu cầu dọc hành lang, khu vực công cộng của trường phải được lắp camera. Trường phải bố trí bác sĩ chuyên khoa về dinh dưỡng, chuyên khoa tiêu hóa túc trực để khám, tư vấn, theo dõi sức khỏe cho bọc sinh ít nhất trong 6 tháng.

Phụ huynh cũng kiến nghị cần giám sát kỹ vấn đề vệ sinh thức ăn, nước uống, nguồn gốc nhập nguyên liệu đầu vào của trường. Mỗi bữa, trường phải công khai món ăn cho cha mẹ biết. Đơn vị chủ quản Trường Ischool Nha Trang phải tổ chức đối thoại với Ban phụ huynh 4 lần trong 1 năm.

Trước đó, hôm 17/11, Trường iSchool Nha Trang tổ chức bếp ăn bán trú cho 880 học sinh và 50 giáo viên.

Nhiều giờ sau, nhiều em có triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần. Đến khoảng 22h, các em xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn, được người nhà đưa đến các bệnh viện trong thành phố.

Ngày 20/11, một nam học sinh lớp 1 tử vong do sốc nhiễm trùng, là em Lee Zhe X. (có bố là người Malaysia, mẹ Việt Nam, thường trú tại xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang).

Kết quả xét nghiệm công bố ngày 22/11 của Viện Pasteur Nha Trang đã phát hiện vi khuẩn Salmonella spp trong mẫu cánh gà chiên, vi khuẩn Bacillus cerus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cerus trong hai mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu. Ngoài ra, vi khuẩn Escherichia coli cũng được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên.

Hôm 23/11, CQĐT Công an Khánh Hòa xác định dấu hiệu tội phạm và khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317, Bộ Luật hình sự xảy ra tại trường.

Thống kê, từ tối 17/11 đến chiều 24/11, Sở Y tế Khánh Hòa ghi nhận, các bệnh viện tiếp nhận 665 học sinh và nhiều giáo viên bị ngộ độc thực phẩm.

Liên quan đến em Lee Zhe X. tử vong, Sở Ngoại vụ Khánh Hòa đã làm các thủ tục theo quy định về ngoại giao, thông báo về trường hợp tử vong của em đến Sở Ngoại vụ TP.HCM và Lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM.

Chiều nay (22/11), gia đình đã tổ chức đưa tang cháu bé.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, khoảng 1h30 ngày 18/11, bé X. được gia đình đưa đến Bệnh viện 22-12 (tại TP. Nha Trang) để cấp cứu. Lúc nhập viện, bệnh nhi này nôn ói nhiều, mệt, đau bụng.

Bệnh viện 22-12 chẩn đoán bé X. bị viêm dạ dày ruột cấp, hạ K máu và đã điều trị bằng cách cho uống kháng sinh, bù dịch, điện giải.

Đến chiều tối 19/11, Bệnh viện 22-12 chẩn đoán bé X. bị sốc nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm và chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi tiếp nhận cấp cứu điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhận định bệnh nhi có dấu hiệu suy đa phủ tạng, đang dùng 3 loại kháng sinh và có chỉ định chuyển viện.

Bệnh nhi được chuyển viện lúc 8h30 sáng ngày 20/11 để đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM điều trị. Tuy nhiên, khi xe cấp cứu mới chạy đến tỉnh Ninh Thuận, bé X. đã tử vong.

Minh Long