Ngoài việc giữ khối tài sản 200-300 tỷ đồng, trụ trì chùa Nga Hoàng Thích Thanh Toàn – người bị tố gạ tình phóng viên còn tuyên bố vẫn có thể cưới vợ, ăn chơi thoải mái sau khi hoàn tục mà không sợ gì.

nhà sư Thích Thanh Toàn
Nhà sư Thích Thanh Toàn tại buổi họp chiều ngày 5/10. (Ảnh chụp màn hình)

Chiều ngày 7/10, hòa thượng Thích Thanh Duệ – trưởng Ban trị sự, trưởng Ban Tăng sự tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định về việc bãi nhiệm chức danh trụ trì, thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng (xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo), giao Ban Tăng sự thuộc Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành các thủ tục xả giới hoàn tục đối với nhà sư Thích Thanh Toàn (tên Lê Hữu Long, SN 1976, quê Quảng Trị) – người bị tố có liên quan đến gạ tình nữ phóng viên.

Cũng theo quyết định, ông Lê Hữu Long phải có trách nhiệm bàn giao chùa, tài sản và con dấu chùa Nga Hoàng cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đó, tại buổi họp chiều ngày 5/10, ông Lê Hữu Long (sư Thích Thanh Toàn) có gửi tờ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục.

Theo tờ trình, ông Long cho rằng bản thân đã có những hành động ảnh hưởng đến Giáo hội và cảm thấy không xứng đáng làm một người đệ tử xuất gia, nên có đơn xin xả giới và hoàn tục, đồng thời giao chùa Nga Hoàng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc quản lý.

Đáng chú ý, nói tại buổi họp, ông Long có nguyện ý sau khi hoàn tục, bản thân muốn giữ lại tài sản cá nhân khoảng 200-300 tỷ đồng; tuyên bố vẫn có thể cưới vợ, ăn chơi thoải mái sau khi hoàn tục mà không sợ gì cả, rằng chuyện bị quay cảnh gạ tình nữ phóng viên chỉ là cạm bẫy,…

Lâu nay con làm tổn thất oai đức của các ngài thì con sám hối suốt đời không hết, nhưng nói thật với quý ngài, tất cả là cạm bẫy…

Con xin quý ngài là trang trại con quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai và chuyển như thế nào? Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ.

Còn chùa 800m2 thì con vui vẻ, các ngài sao cũng được, nhưng bây giờ cái tài sản của con là con nguyện, con mua, con không làm gì cả, chỉ làm để nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện. Con xin các ngài giúp cho con cái đấy thôi. Nếu tính tài sản thì khoảng 200-300 tỷ đấy, con xin các ngài!

Nhưng con thưa quý ngài, đây là một cạm bẫy. Đây là một cạm bẫy nhưng không sao cả, mình làm mình chịu. Đàn ông không sợ. Nếu muốn lấy vợ thì vẫn thoải mái, không sợ gì cả. Ăn chơi thoải mái, không sợ gì cả. Mặc cái áo cà sa này, họ mới chơi, còn bình thường thì không ai nói được. Con nói mình thanh niên mà sợ gì. Không có bất cứ thế lực nào mà sợ cả…” – ông Long nói.

Về phát ngôn của ông Long, Hòa thượng Thích Tâm Vượng – Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thời gian tới Ban trị sự sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xác minh tài sản của ông Long theo quy định của pháp luật.

Việc ông Long có nên nhận lại những tài sản trên không, hòa thượng Thích Tâm Vượng cho rằng giáo hội không thể can thiệp, việc muốn nhận hay muốn hiến tặng thì đó là quyền công dân của ông Long (sư Toàn).

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thái Bình – người phát ngôn Bộ VH-TT&DL cho rằng đây hoàn toàn là tài sản do xã hội và Ban Tôn giáo chính phủ sẽ điều chỉnh, Bộ “không có thẩm quyền trong việc này”.

Về quy chế quản lý tiền công đức tại các nhà chùa để công khai minh bạch và không để xảy ra tình huống như với ông Long, ông Nguyễn Thái Bình cho biết Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính tham mưu ban hành văn bản quy định về sử dụng tiền công đức các cơ sở tôn giáo, nên Bộ hoàn toàn không có thẩm quyền nói về việc xin giữ tài sản của ông Lê Hữu Long.

Minh Long

Xem thêm: