Gần 20 ngày qua, sự cố nước nhiễm dầu thải khiến hàng triệu người bị thiệt hại cả về sức khỏe và kinh tế. Song song với lo ngại về an ninh nguồn nước, việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự với các đối tượng xả thải ra môi trường nói chung và Công ty Cổ phần Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) – đơn vị cung cấp nước trong vụ việc đang là vấn đề được đặt ra.

nước nhiễm dầu thải, nước sông Đà, công ty sông Đà
Các tổ chức xã hội có khả năng xác định thiệt hại và rủi ro tiềm ẩn đối với người tiêu dùng khi sử dụng nước nhiễm dầu thải. (Ảnh: FB)

Người dân khó thực hiện quyền khởi kiện

Theo quy định pháp luật, người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu Viwasupco bồi thường hoặc khởi kiện đòi bồi thường cho các thiệt hại sau sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải. Cụ thể, Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định như sau:

Điều 8. Quyền của người tiêu dùng

  1. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
  2. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Tuy nhiên, trên thực tế, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc khởi kiện buộc Viwasupco phải bồi thường thiệt hại bởi những lý do sau:

Thứ nhất, việc xác định mức bồi thường hợp lý và xuất trình chứng cứ trước tòa là không hề đơn giản

Về mặt kinh tế, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đã buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh do không có nước sạch, từ đó khiến doanh thu bị ảnh hưởng.

Đối với sinh hoạt gia đình, sự cố khiến hàng triệu người bị phát sinh nhiều khoản chi phí như: mua nước đóng chai về để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, xăng xe di chuyển để mua nước, thuê nhà ngắn hạn để ở, khám chữa bệnh do lo ngại nguồn nước ô nhiễm,… chưa kể chi phí do thiệt hại về thời gian, công sức.

Về mặt sức khỏe, trong thời gian nước nhiễm độc nhưng nước vẫn được cấp và người dân không được thông báo, việc sử dụng nước nhiễm dầu có thể đã gây hại đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

Về nguyên tắc, người dân muốn khởi kiện cần phải xuất trình được những chứng cứ hợp lệ cho tòa án. Tuy nhiên, việc này có thể trở nên khó khăn khi không nhiều người trong nhóm bị tổn hại còn giữ các hóa đơn, phiếu thu hay các bằng chứng khác dùng để chứng minh những thiệt hại về kinh tế nêu trên. Ngoài ra, việc xác định các rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người cũng như mức bồi thường phù hợp cho các thiệt hại này là vô cùng khó khăn bởi thiếu những cơ sở rõ ràng.

Thứ hai, “theo đuổi tố tụng” là một quá trình gian nan

Nếu chọn cách khởi kiện theo từng cá nhân hoặc hộ gia đình thì việc dành thời gian để tiến hành khởi kiện cũng đều là một trở ngại lớn. Dù cho Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành có quy định thời gian chuẩn bị xét xử đối với phiên toà sơ thẩm là 4 tháng hoặc 6 tháng kể từ ngày vụ án được thụ lý và phiên tòa sẽ được tiến hành sau đó 01 tháng; nhưng thời gian thực tế thường lên đến đơn vị năm. Thêm vào đó, nếu hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sạch sông Đà đều khởi kiện thì sẽ khiến tòa án quá tải, hiển nhiên kéo dài thời gian tòa án giải quyết vụ việc.

Người dân cũng có thể chọn hình thức “khởi kiện tập thể” – tức là nhiều cá nhân thông qua một người đại diện theo ủy quyền để kiện đòi Viwasupco bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để tìm được người có đủ thời gian và tâm huyết theo đuổi một vụ kiện có quy mô lớn, liên quan đến hàng triệu con người.

Hướng đi nào cho người dân?

Như đã phân tích ở trên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc khởi kiện yêu cầu Viwasupco chi trả mức bồi thường thiệt hại hợp lý cho tất cả thiệt hại về sức khỏe và kinh tế. Tuy nhiên những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải vẫn có thể hy vọng được bồi thường nhờ vào các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo quy định pháp luật, các tổ chức này có quyền đại diện cho người dân để khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện Viwasupco theo quy định tại Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

“Điều 28. Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội

  1. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng các hoạt động sau đây

a) Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu;

b) Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng;”

Người dân bị ảnh hưởng nên tìm đến các Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (thành lập năm 2018) để nhận được sự giúp đỡ.

Ngoài ra, việc xác định và chứng minh thiệt hại sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu được thực hiện bởi các tổ chức có tính chuyên nghiệp. Ví dụ, đối với việc xác định số lượng người dân bị thiệt hại, các tổ chức xã hội trên có thể dựa vào số lượng người tạm trú hoặc thường trú tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi nguồn nước nhiễm độc do dầu thải. Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể căn cứ theo mục đích cư trú trên các địa bàn này (như kinh doanh hay để ở); căn cứ theo số ngày bị ảnh hưởng thực tế bởi nước ô nhiễm… Các tổ chức xã hội cũng có khả năng đưa ra những cơ sở cho thấy các rủi ro tiềm ẩn đối sức khỏe người dùng khi sử dụng nước nhiễm dầu thải.

Mặc dù chưa từng có một vụ kiện nào lớn như vậy được một trong hai tổ chức trên thực hiện, nhưng chúng ta vẫn hy vọng các tổ chức này có thể thực hiện những chức năng, quyền hạn của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng.

Ánh Dương (Luật sư)

Xem thêm: