Hôm 4/8, giới chức Nghệ An đã phát hiện, thu giữ 17 con hổ do người dân nuôi trái phép trong nhà ở huyện Yên Thành. Sau khi bắn thuốc mê, 17 con hổ này được đưa về một khu sinh thái để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, đến ngày 6/8, có 8/17 con đã chết, chưa rõ nguyên nhân.

ho nuoi nhot nghe an
Một con hổ tại hầm nuôi nhốt của gia đình bà Hồ Thị Thanh. (Ảnh: congan.nghean.gov.vn)

Trước đó, hôm 4/8, công an tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, phát hiện tại gia đình ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) và bà Hồ Thị Thanh (31 tuổi, ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành) đang nuôi nhốt 14 con hổ trưởng thành, trọng lượng gần 200kg/con.

Làm việc với cơ quan công an, ông Hiền cho biết mua số hổ này từ Lào khi còn nhỏ, sau đó cải tạo hệ thống chuồng trại với diện tích khoảng 80m2 để nuôi nhốt. Mỗi cá thể hổ được nuôi nhốt riêng trong ô chuồng được gia cố bằng các thanh sắt, với mục đích nấu cao.

Cùng thời gian trên, lực lượng công an cũng phát hiện gia đình bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi, cùng xã Đô Thành) đang nuôi nhốt 3 con hổ trưởng thành. Mỗi con hổ có trọng lượng 225kg – 265kg.

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, gia đình bà Định xây dựng hầm với diện tích 120m2 để nuôi nhốt hổ.

Lực lượng chức năng đã bắn thuốc mê vào các cá thể hổ này để kiểm tra, giám định rồi chuyển vào các lồng sắt, cẩu lên xe tải.

Chiều cùng ngày, 17 cá thể hổ được chuyển đến Khu du lịch sinh thái Mường Thanh (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) để chăm sóc, giám định chủng loại hổ…

Đáng chú ý, theo báo Tuổi Trẻ, “thời điểm lực lượng công an tiếp cận, những con hổ này còn khỏe mạnh”.

Tuy nhiên đến ngày 6/8, báo chí nhà nước dẫn lời một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường (công an Nghệ An) cho biết, 8 trong số 17 con hổ khi đưa đến Khu du lịch sinh thái Mường Thanh để chăm sóc đã bị chết, chưa rõ nguyên nhân. Xác 8 con hổ chết đã được cấp đông để điều tra.

ho bi tiem thuoc me
Những con hổ bị bắn thuốc mê để đưa về khu sinh thái. (Ảnh: congan.nghean.gov.vn)

Trước đó hồi năm 2012, báo Người Lao Động trong bài “Cứu hộ động vật hoang dã: Cứu xong là… chết!” cho biết, một con bò tót tại Thừa Thiên – Huế đi lạc vào sân bay Phú Bài ngày 23/7 và sau khi được các chuyên gia cứu hộ bắn thuốc mê đã chết vào chiều 24/7.

Cuộc cứu hộ này hết sức rầm rộ với hàng trăm người tham gia, chi phí lớn, thậm chí mời cả chuyên gia cứu hộ của Thảo Cầm Viên từ TP.HCM ra Huế “tác nghiệp” nhưng kết quả bất thành.

Các cơ quan chức năng kết luận con bò tót này chết do nội tạng bị bầm dập, phổi, khí quản có xung huyết; tim xuất huyết, gan, mật bị sưng, ruột non và ruột già xuất huyết. Ngoài ra, cơ quan chức năng dẫn giải là do đây là loài hoang dã rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường sống, bị lạc đàn, nhiều ngày phải sống trong sinh cảnh không phù hợp nên bị căng thẳng, sức khỏe đã suy kiệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi: “Một con bò tót to lớn, nặng 1,2 tấn, khỏe mạnh như vậy liệu có chết do nguyên nhân tự nhiên hay do sự chậm chân, bất cẩn trong cứu hộ khi có thông tin cơ quan chức năng đã bắn 2 mũi thuốc mê khi truy lùng bò tót và sau đó tiêm thêm hàng chục mũi thuốc mê khác vào con vật này?”

Về cái chết của con bò tót ở sân bay Phú Bài, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc, ngoài mong muốn. Cơ quan chức năng đã lựa chọn phương án tối ưu và đã làm hết sức. Tuy nhiên, dư luận vẫn nghi ngờ trình độ cứu hộ của các chuyên gia bất cập là nguyên nhân gây nên cái chết của con bò tót này, báo Người Lao Động đưa tin.

Nhiều vụ buôn bán, giết thịt hổ có liên quan đến Nghệ An

Năm 2012, xã Đô Thành, huyện Yên Thành từng được biết đến là địa phương có nhiều gia đình nuôi hổ trái phép, với mục đích buôn bán, giết thịt để nấu cao.

Khi giới hữu trách kiểm tra, nhiều gia đình đã vận chuyển hổ sang huyện Diễn Châu. Lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 4 con hổ, trong đó có con nặng 170 kg.

Báo Tuổi Trẻ hôm 4/8 dẫn lời ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết sau vụ bắt giữ năm 2012, lực lượng chức năng không phát hiện gia đình nào nuôi nhốt hổ trái phép.

“Tuy nhiên, rạng sáng 4/8, cảnh sát kiểm tra 2 gia đình, phát hiện nuôi nhốt nhiều con hổ trái phép, khi đó tôi mới biết là họ lén lút nuôi nhốt hổ trong nhà” – ông Huệ nói.

Báo Người Lao Động cho hay những năm gần đây, Nghệ An là một trong những địa phương để xảy ra nhiều trường hợp nuôi nhốt, giết thịt hổ nấu cao. Nhiều vụ buôn bán, giết thịt hổ trên cả nước có liên quan đến địa phương này.

Điển hình, tháng 11/2016, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Công an TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên bắt quả tang tại sân nhà ông Cao Tiến Đức (ở phường Đồng Quang) đang giết thịt một con hổ nặng 304 kg. Ông Đức khai nhận mua con hổ trên với giá 1 tỷ đồng ở Nghệ An, rồi đưa về Thái Nguyên giết thịt để nấu cao.

Tháng 3/2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an phát hiện, bắt quả tang vụ tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm tại nhà ông Cao Xuân Toàn (ngụ xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An).

Tại thời điểm kiểm tra, 5 con hổ đã bị giết mổ, lấy nội tạng. Tất cả được cất trong tủ đông lạnh, với trọng lượng khoảng 600kg.

Tháng 1/2021, Công an Hà Tĩnh kiểm tra nhà riêng của ông Đinh Nhật Nghệ (49 tuổi, ngụ xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn), phát hiện tại khu nhà vệ sinh có một con hổ chết nặng 250kg. Ông Nghệ khai mua con hổ nói trên từ tỉnh Nghệ An về nấu cao.

Về vụ 17 con hổ nuôi nhốt trái phép vừa bị bắt giữ, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho rằng để xảy ra sự việc này là do chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm. Cơ quan công an đang điều tra, sau khi có kết luận sẽ làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Hoàng Minh (t/h)

Xem thêm:

Năm 2018, hơn 500 cá thể động vật hoang dã được giải cứu