Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM ngày 27/4 đã mời bà Nguyễn Thanh Bích – vợ TS Bùi Quang Tín tới làm việc để xác nhận mắt kính cận của ông Tín. 

TS Bui quang tin
TS.LS Bùi Quang Tín khi sinh thời.

Chiều 27/4, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người đảm nhận vai trò bảo vệ quyền lợi cho gia đình cố TS Bùi Quang Tín cho hay ông và bà Bích vừa có cuộc làm việc với Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.

Trong buổi làm việc kéo dài hơn 2 giờ vào sáng 27/4, phía công an yêu cầu bà Bích cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến vụ TS Bùi Quang Tín tử vong.

Ngoài ra, cơ quan điều tra đưa ra hình ảnh chụp chiếc kính và đề nghị bà Bích xác nhận có phải kính của ông Bùi Quang Tín hay không. Sau khi xem hình ảnh, bà Bích ký xác nhận kính này giống với kính của ông Bùi Quang Tín.

Cơ quan điều tra thông báo kính này được tìm thấy trong nhà ông Trần Việt Dũng (Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế – Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), nơi ông Tín ngồi nhậu trước khi tử vong.

Trước việc mắt kính không phải thu nhận được nơi ông Tín tử vong, luật sư hỏi lại điều tra viên thì được cho hay vụ việc đang điều tra, phía công an chưa trả lời.

Bà Bích và luật sư Quynh cho hay điều tra viên cũng thông báo vụ việc khá phức tạp, cần thiết thì phía công an sẽ gia hạn điều tra, vì vụ án thu hút dư luận, lãnh đạo Công an TP.HCM chỉ đạo điều tra, làm rõ.

Năm ngày trước – ngày 23/4, gia đình TS Bùi Quang Tín và luật sư Quynh cho biết cơ quan điều tra đã mời người thân của nạn nhân đến chứng kiến việc trích xuất dữ liệu từ email, Zalo và điện thoại của ông Tín để phục vụ điều tra. “Phía công an cho biết đang tạm giữ 2 điện thoại của ông Tín. Đây là 2 điện thoại mà ông Tín mang theo trước khi xảy ra vụ việc và công an sau đó đã thu giữ tại hiện trường”, theo luật sư Quynh.

Như đã đưa tin, khoảng 17h30 ngày 5/4, bảo vệ chung cư New Saigon (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) nghe một tiếng động mạnh ở khu vực giếng trời sảnh D2 nên chạy tới kiểm tra. Bảo vệ phát hiện một người đàn ông (sau này xác định là ông Bùi Quang Tín) nằm bất động trên sàn bê tông, tử vong.

Trước đó, trưa cùng ngày, ông Tín và 7 người khác – trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã tới căn hộ của ông Trần Việt Dũng (Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Đại học Ngân hàng TP.HCM) theo lời mời ăn cơm trưa của ông này.

Sau khi cơ quan công an tiếp nhận điều tra vụ việc, bà Bích – vợ nạn nhân đã có đơn trình bày đồng thời kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện KSND TP.HCM khởi tố vụ án. Trong đơn gửi Cơ quan CSĐT và Viện KSND TP.HCM, bà Bích trình bày trước khi tử vong, ông Tín bị nhiều sức ép từ phía ban lãnh đạo và các phòng ban nội bộ sau khi được bổ nhiệm phụ trách phòng truyền thông tại trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. Bà Bích dẫn lại lời ông Tín cho rằng vì “lợi ích nhóm”, cho hay ông Tín thường hay nhận được các tin nhắn đe dọa.

Bà Bích phủ nhận khả năng ông Tín tự tử vì cho rằng sau khi trường chấp nhận cho từ chức, ông Tín không có biểu hiện gì bất thường, sống vui vẻ, còn thường xuyên họp báo.

Bà Bích cũng chỉ ra nhiều điểm bất thường trong vụ việc. Theo thông tin bà biết được từ khám nghiệm hiện trường, bà Bích cho hay tư thế rơi của ông Tín là bất thường. Tại hiện trường, thi thể “nằm sát góc tường bên trái, phần đầu đập xuống trước, hai chân chổng lên trời, hai tay dang ngang đầu hình chữ U…”“Nếu chồng tôi tự sát thì thi thể phải nằm xa hơn chân tường, chân sẽ bị gãy và cơ thể phải nằm úp”, bà Bích nêu.

Tại hiện trường rơi không thu giữ được mắt kính hay mảnh vỡ mắt kính nào, dù chồng bà bị cận nặng nên luôn đeo kính.

Theo thông tin khám nghiệm tử thi, bao tử của ông Bùi Quang Tín trống rỗng. Bà Bích đặt vấn đề tại sao chồng bà được mời đi ăn cơm trưa nhưng lại không có một chút gì trong bao tử.

Theo lời ông Nguyễn Đức Trung (Hiệu phó Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, người tiếp xúc cuối cùng với ông Tín) trình bày, ông Tín tự đi về nhưng khi khám nghiệm hiện trường, 2 điện thoại di động của ông Bùi Quang Tín vẫn để trên bàn, dép vẫn để trước cửa nhà.

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra thu giữ một chiếc ghế (đã gãy phần dựa lưng), đặt sát lan can ban công (hàng rào sắt), có dấu giày, dấu chân, và “một đoạn tương đương thân người ở giữa trên thành lan can sắt đã sạch bụi, không có dấu tay”. Theo bà Bích, nếu ông Tín tự tử thì phải bám vào thành lan can và thành lan can phải có dấu tay, và tay chồng bà (lúc khám nghiệm tử thi) phải có bụi nhưng kết quả không ghi nhận. Vì lan can cao 1,4m và ông Bùi Quang Tín cao tầm 1,6m nên khó có chuyện tự ngã.

Nguyễn Sơn