Chuyên gia Nhật Bản và đại diện công ty JVE cho rằng những phát ngôn của đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội tại buổi họp báo ngày 23/7 hoàn toàn không chính xác.

3
Tiến sĩ Tadashi Yamanura (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Tiến sĩ Tadashi Yamanura – Chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc Tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho biết tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội hôm 23/7, nhiều ý kiến liên quan đến việc xả nước Hồ Tây làm ảnh hưởng đến dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch được đưa ra nhưng phía ông không được dự và có một số thông tin là một chiều, chưa chính xác.

Cụ thể, Công ty Thoát nước Hà Nội chỉ thông báo trước khoảng 15 phút ngày 9/7 cho cán bộ phụ trách kỹ thuật của JVE về việc xả nước, điều tiết mực nước Hồ Tây để chống úng ngập, khiến phía Nhật Bản trở tay không kịp. 

Thế nên, việc Công ty Thoát nước Hà Nội nói rằng đã thông báo và chuyên gia Nhật trả lời không vấn đề gì là hoàn toàn sai sự thật. 

Ông Yamanura cho biết phía Nhật Bản xác định đây là vấn đề trong hoàn cảnh khách quan để đảm bảo an toàn cho người dân Hà Nội thì phải xả nước. Tuy nhiên ông cũng thông tin thêm rằng tại Nhật Bản việc xả nước hay xả lũ thường được báo trước từ 3 đến 5 ngày. 

>> Làm sạch sông Tô Lịch: “Chuyên gia Nhật thừa nhận nóng vội, không nghiên cứu kỹ”

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) – đơn vị đang thí điểm làm sạch sông Tô Lịch cho biết việc Công ty Thoát nước Hà Nội thông tin cho biết chuyên gia Nhật nhận lỗi hay thừa nhận nóng vội, không nghiên cứu kỹ … là không chính xác.

Ông Tuấn Anh cho rằng các Chuyên gia Nhật Bản có lòng tốt, muốn giúp cho Việt Nam thoát khỏi cảnh ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch như hiện nay, do vậy không nên có những phát ngôn làm ảnh hưởng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. 

“Tôi nghĩ rằng Công ty Thoát nước Hà Nội nên thận trọng trong phát ngôn, kinh phí thí điểm được phía Nhật Bản tài trợ hoàn toàn trong khi lại nói là mình phải trả cho bạn, điều này là không nên”, ông Tuấn Anh nói.

Về ý kiến Công ty JVE và Đoàn chuyên gia Nhật Bản không thành lập Hội đồng khoa học đánh giá việc thí điểm công nghệ làm sạch sông Tô Lịch mà làm độc lập, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết Công ty JVE đã đề xuất thành lập Hội đồng khoa học để đánh giá nhưng không được chấp nhận.

Lý giải việc không làm cuối nguồn mà làm đầu nguồn, ông Yamamura phân tích: “Nếu làm cuối nguồn tức là xử lý toàn bộ lượng nước thải của cả dòng sông, trong khi chúng ta đang thí điểm chứng minh tính năng của 4 máy Nano và các tấm Bioreactor trên đoạn 300m. Để từ kết quả kiểm tra này, chúng ta mới tính toán được nhân rộng, áp dụng cho cả dòng sông dài 14,6 km thì cần số lượng bao nhiêu máy như vậy”.

Liên quan đến kinh phí thí điểm làm sạch nước trên sông Tô Lịch, tiến sĩ Tadashi Yamamura khẳng định giai đoạn thí điểm là hoàn toàn miễn phí, sau khi kết quả cho thấy công nghệ của Nhật Bản có hiệu quả, áp dụng trên cả dòng sông mới tính tiền.

Ông cũng cho biết phía Nhật Bản không yêu cầu đền bù. Theo văn hoá Nhật Bản là không đổ lỗi, do vậy họ coi đó là điều khách quan và chấp nhận làm lại từ đầu. 

Đoàn chuyên gia Nhật Bản cũng trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ, chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội cùng các đơn vị liên quan.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: