LS Phúc – người bào chữa cho BS Hoàng Công Lương cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Bộ Y tế, do Bộ không có quy trình về nước RO, không kiểm soát chặt chẽ hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo – đây chính là nguồn gốc sâu xa dẫn tới hậu quả 9 người chết.

Trần Hồng Phúc
Luật sư Trần Hồng Phúc tại phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 25/5, vụ xét xử BS Hoàng Công Lương cùng 2 bị cáo trong sự cố chạy thận làm 9 người chết tại BVĐK tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 9.

Lần lượt 3 luật sư Nguyễn Chiến, luật sư Lê Văn Thiệp, luật sư Trần Hồng Phúc trình bày những luật luận để chứng minh sự vô tội của BS Hoàng Công Lương.

Đáng chú ý, trong phần luật luận, LS Trần Hồng Phúc không chỉ tập trung chứng minh sự vô tội của BS Lương mà còn chỉ ra rất nhiều lỗi hệ thống trong khâu quản lý chuyên môn, quản lý hành chính của Bộ Y tế, Sở Y tế Hoà Bình và Ban giám đốc BVĐK Hoà Bình là nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ y khoa xảy ra.

LS Phúc khẳng định đơn nguyên thận nhân tạo (ĐNTNT) của BVĐK Hòa Bình thành lập là trái pháp luật, không nằm trong quy chế của ngành y bởi chỉ được thành lập khoa chứ không được thành lập đơn nguyên. Sở Y tế Hoà Bình lấy lý do bệnh viện đặc thù là một “căn cứ bất hợp pháp”. Vì vậy, VKS không thể buộc tội bất cứ bị cáo nào, chứ không chỉ là bác sĩ Hoàng Công Lương.

Qua các lập luận, LS Phúc cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Bộ Y tế, do Bộ không có quy trình về nước RO, không kiểm soát chặt chẽ hoạt động của ĐNTNT – đây chính là nguồn gốc sâu xa dẫn tới hậu quả 9 người chết.

Bộ y tế phải trả lời cho chúng tôi biết về việc có hay không quy trình quy chế lọc máu. Từ đó mới có thể khẳng định trách nhiệm thuộc về ai?“, LS Phúc nói.

LS Phúc dẫn chứng từ ông Nguyễn Trọng Khoa – Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh rằng hiện nay, Bộ Y tế không ban hành quy chuẩn riêng về quy trình chạy thận nhân tạo mà các đơn vị chỉ thống nhất với nhau theo tiêu chuẩn quốc tế. Nguyên giám đốc Trương Quý Dương cũng khẳng định BVĐK Hoà Bình không có quy trình quản lý hệ thống lọc nước RO.

Theo LS Phúc, khi sự cố xảy ra, các cơ quan y tế, Bộ Y tế mới bắt đầu đi kiểm tra chất lượng, đi xét nghiệm RO, xét nghiệm AAMI, mới ban hành 52 quy trình vào tháng 4/2018.

Một Bộ có cả một Vụ trang thiết bị y tế mà không tạo ra được một tiêu chuẩn dùng chính trong ngành của mình. Sau sự cố mới kiểm tra cho thấy  hơn 70% mẫu nước ở các cơ sở y tế không đạt chất lượng. Như vậy sao có được niềm tin trước người dân. Vì không ban hành quy trình mà lại quy trách nhiệm cho người khác là không hợp lý” – LS Phúc nêu quan điểm.

Chỉ có người chết là không có quy trình, còn tất cả chúng ta đều có quy trình hết”- vị luật sư cảm thán.

LS Phúc cũng cho rằng “Bộ Y tế không nên đổ lỗi cho nhà sản xuất mà phải tự nhận ra lỗi của mình – của cơ quan chủ quản, của ngành, xem đã thực hiện được đúng trách nhiệm của mình chưa? Với hồ sơ vụ án như này, luật sư chúng tôi không biết phải quy trách nhiệm về ai?.

Phải xác định tất cả để tìm ra nguyên nhân sự cố này vì đây là cuộc cách mạng thay máu cơ chế tổ chức cho ngành Y tế để đảm bảo cho quyền lợi và sự an toàn cho người dân“.

LS Phúc cũng “cảm thấy kinh hoàng về việc quản lý nhà nước” khi còn quá nhiều những thiếu sót trong công tác quản lý. Sự cố y khoa này thuộc về trách nhiệm từ nhiều phía chứ không phải chỉ dừng lại trách nhiệm của ba bị cáo như VKS đã nêu.

Trần Tâm

Xem thêm: